Chương trình “Số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030”, nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Tại Trung tâm bảo tồn Di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, việc số hóa đang được tích cực triển khai để kịp thời thích ứng trong bối cảnh mới.
Trung tâm bảo tồn Di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư hiện đang lưu giữ khoảng 50 bản sắc phong qua các triều đại phong kiến Việt Nam
Trung tâm bảo tồn Di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư hiện đang lưu giữ khoảng 50 bản sắc phong qua các triều đại phong kiến Việt Nam. Những hiện vật quý này được bảo quản cẩn trọng trong kho lưu trữ và ít khi được trưng bày cho du khách tham quan. Tuy nhiên, với việc số hóa, trong thời gian tới, du khách hoàn toàn có thể chiêm ngưỡng các di sản này một cách chi tiết.
Trung tâm bảo tồn Di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư đang bảo quản, lưu giữ khoảng một nghìn hiện vật; trong đó có 5 bảo vật quốc gia quý giá.
Ông Giang Bạch Đằng, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư cho biết: Hiện Trung tâm đang bảo quản, lưu giữ khoảng một nghìn hiện vật; trong đó có 5 bảo vật quốc gia quý giá. Thời gian qua, bên cạnh việc sử dụng hệ thống trình chiếu phối cảnh 3D tại khu vực Nhà trưng bày “Di sản văn hóa thời Đinh – Tiền Lê”, Trung tâm đã phối hợp các các đơn vị liên quan đẩy mạnh việc số hóa các hiện vật. Các hiện vật sẽ được kiểm kê, lập hồ sơ khoa học và thực hiện việc xây dựng phần mềm, để quảng bá trên các cổng thông tin du lịch thông minh.
Khi mà chuyển đổi số đang là một quá trình tất yếu diễn ra, thì việc số hóa các di sản mang lại hiệu quả cao với chi phí thấp, tính trực quan, độ tin cậy rất cao. Đồng thời các di sản ở dạng số hóa có thể được quảng bá nhanh chóng , không bị giới hạn về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ… Nhờ những nỗ lực trên, lượng khách đến với Cố đô Hoa Lư ngày càng tăng, trở thành điểm nhấn của du lịch Ninh Bình.