Chuyển đổi số - Yếu tố quan trọng đối với sự phục hồi và phát triển bền vững của ngành du lịch

Cập nhật: 12/10/2022
Ngành du lịch toàn cầu đang bước đi trong sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng sâu sắc đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và là yêu cầu cấp thiết nhằm thúc đẩy ngành du lịch phục hồi và phát triển bền vững.

Tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành du lịch

Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), doanh thu ngành du lịch toàn cầu chịu thiệt hại 2 nghìn tỷ USD trong năm 2021. Ngành công nghiệp này đạt mức tăng trưởng 4% so với năm 2020, nhưng lượng khách du lịch quốc tế vẫn thấp hơn 72% so với năm 2019 - thời điểm trước đại dịch.

Đại dịch Covid-19 đã đã ảnh hưởng nặng nề đối với ngành du lịch Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, khách quốc tế du lịch tại Việt Nam năm 2020 chỉ đạt 3,8 triệu lượt, giảm 78,8% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; Tổng thu ngành du lịch cả nước đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7%, tương đương thiệt hại khoảng 23 tỷ USD. Năm 2021, khách nội địa đạt 40 triệu lượt; hoạt động đón khách quốc tế chỉ được thí điểm trở lại từ tháng 11/2021.

Những nỗ lực của Việt Nam trong việc mở cửa lại du lịch

Trong bối cảnh đó, Tổng cục Du lịch với vai trò là cơ quan du lịch quốc gia đã chủ động tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động như: giảm giá điện, giảm tiền điện; giảm tiền thuê đất; giảm phí cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên; giảm tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành; hỗ trợ tiền mặt cho hướng dẫn viên…

Đồng thời, Tổng cục Du lịch đã triển khai hàng loạt giải pháp để hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp phục hồi hoạt động, kích cầu du lịch thông qua các hoạt động xúc tiến quảng bá, liên kết hợp tác, phát triển sản phẩm, và đặc biệt là chuyển đổi số trong hoạt động du lịch để thích ứng linh hoạt.

Không gian chuyển đổi số du lịch của Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) tại Hội chợ du lịch quốc tế ITE HCMC 2022 thu hút đông đảo du khách mở thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh (Ảnh: TITC)

Bước sang năm 2022, trong bối cảnh cả nước thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19, đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch chính thức mở cửa trở lại hoàn toàn kể từ ngày 15/3/2022. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có chính sách mở cửa thông thoáng nhất: Không yêu cầu xét nghiệm, không yêu cầu khai báo y tế, không yêu cầu cách ly, không yêu cầu có chứng nhận tiêm phòng Covid-19. Đồng thời các chính sách về miễn thị thực và xuất nhập cảnh đã được khôi phục lại như trước dịch.

Với những nỗ lực đó, trong 9 tháng đầu năm 2022, khách nội địa đã đạt gần 86,8 triệu lượt, vượt xa so với mục tiêu 60 triệu lượt của cả năm 2022, và cao hơn tổng lượng khách nội địa cả năm 2019 – thời điểm trước khi xảy ra dịch. Về lượng khách quốc tế đến Việt Nam liên tục đạt tăng trưởng với tốc độ cao, tháng sau cao hơn tháng trước. Tính chung 9 tháng, Việt Nam đón 1,87 triệu lượt khách quốc tế. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng tháng đạt khoảng 50%/tháng.

Kết quả này phù hợp với xu hướng tìm kiếm về du lịch Việt Nam trên toàn cầu. Theo dữ liệu từ Google, từ sau khi Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trưởng ở mức cao hàng đầu thế giới, đạt mức 50-75%.

Không gian chuyển đổi số du lịch của Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) tại Hội chợ du lịch quốc tế ITE HCMC 2022 (Ảnh: TITC)

Thúc đẩy chuyển đổi số, hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, góp phần phục hồi du lịch theo hướng linh hoạt và bền vững hơn

Chuyển đổi số được xem là yếu tố then chốt thúc đẩy du lịch phục hồi và phát triển theo hướng linh hoạt và bền vững hơn trong bối cảnh mới sau đại dịch. Chuyển đổi số cũng là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, trong đó nêu rõ ưu tiên phát triển du lịch số, du lịch thông minh là một trong những ngành, lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao.

 Với vai trò là đơn vị đầu mối về truyền thông và chuyển đổi số, Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) tập trung vào các giải pháp mang tính chất nền tảng để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam, thu hút sự tham gia của các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp du lịch, khách du lịch, hướng đến khai thác các giá trị tăng thêm từ môi trường kinh tế số. Trong đó, tập trung vào:

(1) Xây dựng Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam: gồm các cơ sở dữ liệu thành phần về doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, khu-điểm du lịch, nhà hàng, điểm mua sắm đạt chuẩn, vui chơi giải trí…

(2) Xây dựng trục kết nối hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý ở trung ương, địa phương và doanh nghiệp nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước.

(3) Ứng dụng công nghệ hỗ trợ khách du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh. Năm 2021, Tổng cục Du lịch đã bắt đầu triển khai hỗ trợ các địa phương xây dựng điểm đến du lịch thông minh, trước mắt tại Hà Giang, Thanh Hóa. Vừa qua, Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) đã hỗ trợ một số khu du lịch chính thức đưa vào vận hành hệ thống vé điện tử như Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám (từ 13/5/2022) và Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (từ 2/9/2022), và đang tiếp tục làm việc với một số điểm tham quan, khu du lịch về triển khai áp dụng hệ thống này.

Đồng thời, phát triển các ứng dụng, tiện ích công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp và khách du lịch như: ứng dụng Du lịch Việt Nam, ứng dụng Nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh, Trang vàng Du lịch Việt Nam…

Trong đó, đặc biệt Thẻ Việt – Thẻ du lịch thông minh được coi là một sản phẩm chiến lược trong hệ sinh thái du lịch thông minh, nằm trong chương trình Thẻ Việt – Một thẻ quốc gia do Bộ Công Thương phát động.

Ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (TCDL) sử dụng vé điện tử với mã QR trên điện thoại để vào cổng di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Ảnh: TITC)

(4) Đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch trên các kênh truyền thông số gồm có các website và mạng xã hội, trong đó website https://vietnam.travel/ là kênh chính thức và duy nhất ở tầm quốc gia quảng bá du lịch Việt Nam tới các thị trường quốc tế.

(5) Tăng cường hợp tác với các đối tác để triển khai chuyển đổi số và quảng bá du lịch Việt Nam. Thời gian qua, Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) đã hợp tác với nhiều đơn vị hoạt động trong ngành du lịch, nổi bật trong số đó là Traveloka – một ứng dụng du lịch và tiện ích sống hàng đầu ở Đông Nam Á, nhằm phát triển các dự án e-marketing trong ngành.

Hợp tác này kết hợp nguồn lực từ cả hai phía, bao gồm khả năng kết nối hệ sinh thái của Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch), và chiến lược tiếp thị sáng tạo, đổi mới, cũng như công nghệ tiên tiến và phương pháp tiếp cận đột phá nhằm hiểu rõ nhu cầu của khách du lịch đến từ Traveloka. Sự kết hợp giữa Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) và Traveloka được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều tiện ích hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu và hành vi du lịch đang không ngừng thay đổi của người dùng, cũng như bối cảnh thị trường trong thời điểm toàn ngành đang phục hồi hậu Covid-19.

- Ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết: “Ngành du lịch Việt Nam là ngành kinh tế năng động và có tốc độ phát triển nhanh chóng. Trong đó, việc liên kết chặt chẽ ngành du lịch Việt với xu hướng phát triển của khu vực và thế giới theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường kết nối số và phát triển du lịch thông minh. Do đó, các doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp công nghệ nên nắm bắt cơ hội ngay từ trong quá trình chuyển đổi số để tạo ra các sản phẩm du lịch số độc đáo và ấn tượng, qua đó thỏa mãn xu hướng nhu cầu du lịch mới. Chúng tôi rất hoan nghênh các sáng kiến từ nhiều bên liên quan, từ các cơ quan quản lý đến các doanh nghiệp, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ngành du lịch, thúc đẩy sự phát triển ngành một cách bền vững”.

- Bà Huỳnh Thị Mai Thy - Giám đốc Traveloka Việt Nam cho biết: “Du lịch là một trong những ngành đầu tiên thực hiện chuyển đổi số khi đưa việc đặt vé máy bay và khách sạn lên trực tuyến. Ngay từ trước đại dịch, hành vi tìm kiếm và đặt chỗ du lịch trên các thiết bị kỹ thuật số đã thể hiện sự tăng trưởng đáng kể.  Với sự phục hồi mạnh mẽ trong những tháng gần đây nhờ việc gỡ bỏ quy định cách ly, xét nghiệm khi du lịch, du lịch Việt Nam cần phải thực hiện các bước tiến mạnh mẽ hơn nữa, nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số và tiếp tục quảng bá xu hướng du lịch không chạm và an toàn. Với tư cách là siêu ứng dụng du lịch và tiện ích sống hàng đầu Đông Nam Á, Traveloka cam kết hỗ trợ chính phủ, chính quyền địa phương và các đối tác doanh nghiệp trong việc thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái du lịch trong nước. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục thực hiện những cải tiến mới, đưa ra nhiều sáng kiến và chương trình đột phá khác nhằm thúc đẩy quá trình số hóa ngành du lịch, đảm bảo sự tăng trưởng bền vững cho du lịch địa phương”.

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn