Ninh Bình những ngày cuối năm, khi những cơn gió mang hơi lạnh của mùa đông đến, cũng là lúc quần thể danh thắng Tràng An trở nên huyền ảo lạ thường bởi màu trắng như mây của những cánh đồng hoa lau bao quanh vùng di sản Tràng An.
Cỏ lau hay còn gọi là cỏ tranh, có mặt ở khắp các miền Bắc, Trung, Nam trên lãnh thổ nước ta, nhưng không ở đâu hoa lau đẹp được như ở vùng núi Hoa Lư thuộc Quần thể danh thắng Tràng An. Những cây cỏ lau ở nơi đây có thân cao, thẳng, bông mập mạp, trắng muốt, hơn hẳn lau ở tất cả các nơi khác như Hà Nội, Đà Nẵng… Cứ đến tháng 11 âm lịch hàng năm, lau nở rộ khắp các thung lũng.
Màu sắc trắng tinh khôi của bông cỏ lau dại tràn ngập hai bên đường dẫn vào khu du lịch sinh thái Tràng An. Trên nền trời xanh thắm, dưới chân những dãy núi đá hùng vĩ là những cánh đồng tràn ngập bông lau trắng tinh khôi khiến con đường vào Tràng An trở nên mềm mại, đẹp lạ thường. Mỗi lần gió thổi, hai bên đường lại như những dải lụa trắng uyển chuyển, dịu dàng làm xao xuyến trái tim của biết bao lữ khách.
Thời điểm hoa lau đẹp nhất là lúc sáng sớm. Khi mới nở, hoa có màu trắng tinh khiết, sau một thời gian sẽ ngả sang màu vàng. Khi chiều về, hoa lau hòa quyện cùng ánh nắng, bao bọc lên những dãy núi đá vôi hùng vĩ mang lại một vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí đến lạ thường.
Cỏ lau không chỉ mang lại vẻ đẹp giản dị, dân dã mà còn mang theo những tri thức dân gian. Mỗi khi hoa mọc nhiều với từng đám lớn, trên diện tích rộng, theo kinh nghiệm dân gian của người xưa là dấu hiệu báo mùa bão lũ đã hết.
Những cánh đồng lau mỗi khi đông về như tô điểm thêm màu sắc hoang sơ, thơ mộng cho thiên nhiên nơi đây. Đặc biệt bông lau Ninh Bình còn gắn liền với sự tích về người anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh đã lập nên nhà nước phong kiến độc lập đầu tiên ở Việt Nam.