Đến với Ninh Bình, chúng ta đến với vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh vua sinh thánh, sinh thần. Trải qua quá trình hàng triệu năm kiến tạo địa chất, địa mạo, cùng với những giá trị của truyền thống văn hóa bản địa lâu đời đã hình thành nên nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và du lịch nhân văn độc đáo, đa dạng làm cho du lịch Ninh Bình trở nên nổi bật, riêng biệt bởi nhiều giá trị mà không nơi nào có được. Đặc biệt Quần thể Danh thắng Tràng An đã được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới, trở thành di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á năm 2014.
Di sản hỗn hợp Tràng An, Ninh Bình không chỉ là đại diện ưu tú nhất trong số những cảnh quan karst dạng tháp nổi bật toàn cầu, chứa đựng các hiện tượng siêu nhiên với vẻ đẹp và giá trị thẩm mỹ đặc sắc mà còn là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa thiên nhiên và con người, là ví dụ nổi bật về truyền thống cư trú của loài người, truyền thống sử dụng đất, sử dụng biển của người Tiền sử. Qua quá trình định cư liên tục với lợi thế ở địa hình đặc biệt, nơi đây là kho tàng chứa đựng vàng son của lịch sử và truyền thống dân tộc được cha ông ta từ ngàn đời: Nơi hình thành quốc gia thống nhất với Quốc hiệu chính thức Đại Cồ Việt, niên hiệu riêng Thái Bình, phát hành tiền tệ trên quy mô cả nước và mở ra một thời đại mới cho sự phát triển quốc gia độc lập, nơi che chở Kinh đô Đại Việt thế kỷ X, nơi sinh ra người đứng đầu quốc gia được tôn xưng là Hoàng đế đã thực sự mở ra thời đại mới cho sự phát triển của Quốc gia độc lập. Tiếp nối truyền thống hào hùng đó, vùng đấtTràng An, Ninh Bình vào thế kỷ 13 là Hành cung của nhà Trần. Sau cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông lần thứ nhất, năm 1258, vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho con trở về vùng núi Tràng An – Ninh Bình lập am tu hành, mở đầu cho việc xây dựng Hành cung Vũ Lâm, ngay thời điểm đó vua Trần Thái Tông đã nhận ra địa thế hiểm yếu của khu vực rừng núi Tràng An – Ninh Bình với hệ thống sông ngòi dày đặc liên thông với khu vực Thiên Trường – Nam Định và cũng dễ dàng rút quân từ Thăng Long, Thiên Trường về đây làm bàn đạp tạo thế phản công. Hành cung Vũ Lâm trở thành căn cứ địa vững chắc góp phần làm nên chiến thắng trong các cuộc kháng chiến chông quân Nguyên – Mông thế kỷ 13.
Cũng trong thời gian này các vua nhà Trần cũng cho xây dựng nhiều các công trình tôn giáo nơi đây trong đó có chùa Thạch Bích, đây còn là nơi xuất gia tu hành đầu tiên của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông trước khi ngài lên Yên Tử lập ra Thiền phái Trúc Lâm, dòng thiền mang đậm bản sắc Việt Nam.
Đặc sắc tuyến du lịch Thạch Bích – Thung Nắng
Tuyến du lịch có tên gọi là Thạch Bích – Thung Nắng thuộc thôn Đam Khê, xã Ninh Hải (nằm trong vùng lõi Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An). Cách Trung tâm thành phố Ninh Bình 8km và cách ga Ninh Bình 7km về phía Tây Nam, cách bến thuyền Tam Cốc 2km.
Giá trị về Di tích lịch sử văn hóa
Chùa Thạch Bích
Thạch Bích là ngôi chùa được xây dựng vào thế kỷ 13, với khuôn viên rộng 3000m2 , gồm gian thờ Tam thế Phật và gian thờ Tổ, chùa tọa lạc tại bến lên thuyền của tuyến du lịch Thung Nắng (bến thuyền có tên là bến Thạch Bích). Chùa Thạch Bích là biểu trưng cho việc ghi dấu lại dòng chảy của Phật giáo vùng đất này. Hơn 2000 nằm trước Phật giáo từ Ấn Độ du nhập nước ta chủ yếu theo đường biển qua sự giao thương của các thương nhân, một phần khác là theo đường bộ, con đường mà các nhà sử học thường gọi là "Con đường Tơ lụa". Phật giáo vào Việt Nam, có sự biến đổi, khúc xạ phù hợp với truyền thống văn hoá bản địa của dân tộc Việt. Phật giáo du nhập vào Việt Nam và lan toả theo những dòng sông, theo nền văn hoá sông nước của dân tộc Việt. Suốt hơn hai ngàn năm lịch sử, phật giáo luôn đồng cam cộng khổ với vận mệnh thăng trầm của nước ta trong công cuộc chống giặc ngoại xâm cũng như sự nghiệp dựng nước, giữ nước, mở mang bờ cõi.
Năm 971, sau 4 năm lên ngôi, vua Đinh Tiên Hoàng định giai phẩm cho các quan văn võ và tăng đạo, lập chức Tăng thống Phật giáo (đứng đầu Giáo hội Tăng già) phong Thiền sư Ngô Chân Lưu làm Tăng thống, tôn xưng là Khuông Việt đại sư. Khuông Việt có nghĩa là giúp nước Việt. Dưới thời Tiền Lê, vua Lê Đại Hành rất kính trọng Khuông Việt đại sư. Vua thường mời thiền sư tham gia vào việc quốc gia đại sự.
Vào đầu thế kỷ 13, Phật giáo trở thành Quốc giáo, thời kỳ này đã có sự dần sáp nhập vào với nhau của ba thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường. Thiền phái Yên Tử từ đây mà hình thành, dưới sức ảnh hưởng rất lớn của vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông thiền phái đã có một bước phát triển lớn, trở thành thiền phái Trúc Lâm - thiền phái duy nhất dưới đời nhà Trần. Có thể nói, thời đại nhà Trần là thời đại Phật giáo nhất tông. Chính vì thế những ngôi chùa như bộ phận hữu cơ, gắn bó thân thiết với cộng đồng xã hội “đất vua, chùa làng, phong cảnh bụt”. Thạch Bích tự cũng được ra đời, lưu giữ và tiếp nối những giá trị lớn lao đó.
Thạch Bích tự thờ Tam thế Phật có nghĩa là 3 thời: quá khứ, hiện tại, tương lai (Tam thế thường trụ diệu pháp thân), có nghĩa là Phật luôn tồn tại kỳ diệu khắp mọi nơi, mọi lúc. Ý nghĩa của bộ tượng này là các vị Phật của các thời luôn nối tiếp nhau để giáo hóa chúng sinh. Các vị Phật có kích thước và hình dáng giống nhau, đều ngồi thế tọa thiền kiết già toàn phần (yoga).
Phía nhà bên tay phải của chính điện là nhà thờ tổ và gian thờ Mẫu.
Đền Vối - nơi ghi dấu lịch sử
Di tích có tên gọi là đền Vối vì trên tuyến du lịch và đặc biệt là xung quanh khu vực đền có rất nhiều cây vối trong đó có những cây vối cổ thụ có trên trăm năm.
Cửa đền Vối có bức đại tự “Tối linh từ” (nghĩa là: Đền rất linh thiêng).
Di tích là nơi thờ cúng, tưởng niệm vị thần Hộ Quốc Đại Vương một nhân vật đi sâu vào tiềm thức của nhân dân với vai trò là một vị thần hiển linh giúp nhà Trần đánh thắng quân Nguyên Mông, đền Vối thờ thần với vai trò là “thành hoàng làng”, che chở và phù giúp nhân dân trong cuộc sống. Di tích còn là nơi thờ cúng nhân vật Hoàng Hậu Nữ Oa Bổ Thiên Phu Nhân.
Đền Vối tọa lạc trên một khu đất rộng 290m2. Đây là một công trình kiến trúc cổ, được xây dựng theo kiểu Tiền đao Hậu đốc, với tổng chiều dài 6,40m, chiều rộng 4,15m. Di tích quay hướng Tây Nam, phía sau tựa núi Hang Vàng, phía trước là sông Lóng Trai.
Di tích đền Vối có hệ thống các mảng chạm khắc phong phú. Phía hiên trước của di tích, trên các xà ngang, xà dọc đỡ mái hiên được chạm khắc rồng, hoa văn, vân mây. Nhìn lên phía trên cửa ra vào có bức chạm khắc mặt hổ phù ngậm chữ thọ, hai bên là hai rồng quấn, sen kẽ là hoa văn, các cánh cửa được vẽ trang trí phượng, rồng, hoa lá. Trên các đầu bẩy đỡ mái hiên chạm khắc hoa văn uốn lượn như hình rồng. Phía trong gian thờ, trên các bức tường cũng được trang trí rồng chầu mặt nguyệt.
Di tích còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị trong đó có long ngai, bát hương, đồ thời niên đại thế kỷ 13, sắc phong (lưu tại Viện Hán Nôm)
Hiện nay, di tích có hai đạo sắc phong, tuy nhiên 02 sắc phong này được lưu tại Viện nghiên cứu Hán-Nôm Hà Nội. Hai đạo sắc có niên hiệu Cảnh Hưng phong cho thôn Nội, xã Đam Khê, tổng Lận Khê, huyện Yên Mô (nay là thôn Đam Khê Trong, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư). Sắc phong cho Thành Hoàng là Hộ Quốc Đại Vương và Hoàng Hậu Nữ Oa Bổ Thiên Phu Nhân.
Ngày 24 tháng Giêng hàng năm là ngày kỵ thần Hộ Quốc Đại Vương, theo lệ nhân dân trong vùng tế lễ và tổ chức lễ hội làng, lễ tế diễn ra trong 1 ngày. Đây cũng là lễ quan trọng nhất trong năm. Lễ hội này là dịp tế lễ báo đáp công ơn đối với các vị thần thờ tại đền cũng là dịp người dân trong vùng và con cháu đi làm ăn xa về tụ họp cho nên các bản hội chuẩn bị lễ tế rất chu đáo. Phần chuẩn bị thường bắt đầu từ ngày 23, chính lễ, tế lễ ngày 24. Trong hội có rước kiệu đền, được tổ chức rước kiệu từ đền ngoài (đền Cọ, thôn Đam Kha cũng thờ Hộ Quốc Đại Vương) vào đền trong và ngược lại. Tại đền có phường bát âm, có chủ tế, hộ tế, xướng văn, chủ trì buổi lễ cùng sự có mặt của đông đảo nhân dân và khách thập phương.
Với những giá trị tiêu biểu đó di tích được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2014.
Đền Thung Nắng - huyền ảo giữa núi rừng
Đền nằm trên tuyến du lịch Thạch Bích – Thung Nắng, đền tọa lạc dưới những tán cây cổ thụ, lưng đền dựa vào thế núi thiêng quanh năm tĩnh lặng, đền với quy mô nhỏ nhưng với một số cột, xà, ngưỡng bằng đá xanh nguyên khối cùng hệ thống đồ thờ tự bằng đá mang đậm nét đặc trưng kiến trúc của vùng núi đá vôi Tràng An – Ninh Bình.
Đền Thung Nắng thờ bà chúa Thượng Ngàn, cũng như nhiều di tích thờ Mẫu khác trong vùng, tại đây thờ Mẫu Thượng Ngàn cùng với ý nghĩa từ sự tích rằng: “Mẫu Thượng Ngàn là con gái đầu tiên của Ngọc Hoàng. Khi trưởng thành, tính tình thẳng thắng, cứng rắn nên được vua cha Ngọc Hoàng giao cho cai quản vùng núi rừng hoang vu. Nhưng từ khi cai quản vùng này thì cây cối đều được tươi tốt, việc săn bắn cũng được nhiều hơn trước, cuộc sống của con người được cải thiện rất nhiều. Đặc biệt, bà còn dạy dân cách dùng lửa và nấu ăn nên người dân hết lòng tôn kính, thờ phụng bà cho tới ngày nay”.
Bên cạnh đền là lối đi qua quèn Cây Thị với 170 bậc đá nối thung Nắng ngoài (rộng 3ha) vào thung Nắng trong (rộng 5ha), tới đây chúng ta được đứng giữa khung cảnh rừng nguyên sinh rộng lớn mang vẻ đẹp huyền bí, kỳ ảo và thơ mộng không khí trong lành với hệ thực vật phong phú đa dạng mà tiêu biểu là tại đây có rất nhiều cây thị cổ thụ, cây thị trên các vách đá hàng ngàn năm tuổi và nhiều loại cây thuốc quý. Bên kia dãy núi Ngũ Hàng là tuyến du lịch Linh Cốc – Hải Nham.
Tại thung Nắng Trong có đường leo núi bằng các bậc đá được xây dựng vững chắc dài 3500m thường dành cho khách du lịch có sức khỏe tốt và thích khám phá, leo núi đi sang hang Bụt tiếp tục cuộc hành trình tuyến du lịch Linh Cốc – Hải Nham.
Giá trị cảnh quan thiên nhiên
Thung Nắng rộng 8 ha, trong đó có 3ha Thung Nắng Ngoài và 5ha Thung Nắng Trong, Thung Nắng nghĩa là thung nhiều nắng, được nắng chiếu rọi khắp nơi, xuyên qua những cành lá, vách núi, dòng sông, bên cạnh thung Nắng còn có thung Râm (thung theo cách lý giải của người dân địa phương là nơi được bao bọc xung quanh là núi, ở giữa là vùng đất trống, rộng và bằng phẳng, phần lớn ngập nước. Thung trong từ điển hán việt nghĩa là ung dung, thong dong, rộng rãi và dễ chịu, và đúng như thế đến đây chúng ta sẽ được trải nghiệm sự thong dong dễ chịu đó với việc khám phá tuyến du lịch thân thiện, hoang sơ này).
Đúng như tên gọi Thung Nắng ngập tràn ánh nắng, nắng chiếu rọi khắp nơi, xuyên qua cành lá, qua mái nhà mộc mạc của những người dân làm nông nghiệp ven bờ, xuyên tận xuống đáy nước tạo nên khung cảnh rực rỡ, yên bình tựa bức tranh thủy mặc. Đến với Thung Nắng, chúng ta được cảm nhận, trải nghiệm hoang sơ, trữ tình vừa được trải nhiệm những giá trị độc đáo về sự đa dạng sinh học tiêu biểu, những điều kỳ vĩ, hiếm có đó ở cảnh quan thiên nhiên, ở không gian văn hóa và thêm vào đó là hệ động thực vật đa dạng cả trên cạn và dưới nước, tiêu biểu như đây là nơi trú ngụ của nhiều trăn, rắn, chim, trong các loài chim chiếm đa số hơn là sáo và khướu (theo người dân địa phương khướu nhiều nhất của Ninh Bình tập trung tại khu vực này) và đặc biệt là chúng ta có thể bắt gặp đàn khỉ gần trăm con nếu như đến nơi đây vào buổi chiều muộn.
Từ bến thuyền Thạch Bích, ngồi trên những con thuyền nhỏ cùng với những người chèo đò là người dân địa phương chân chất, thuần phát và thân thiện chúng ta đi dọc theo sông đền Vối dài 2,6km thăm quan tuyến Thung Nắng (dọc trên sông đền Vối thuyền đưa chúng ta nhẹ lướt qua những bóng núi cao trập trùng, vượt qua những rặng cây mướt xanh, hai bên sông là lau sậy, cỏ lác, dưới là dòng nước mát trong xanh soi bóng ngắm nhìn được tầng thủy sinh độc đáo và từng đàn cá bơi lượn xung quanh, chúng ta còn được chiêm ngưỡng vô vàn tạo hình của núi đá, người dân địa phương còn gọi các đoạn sông trên tuyến du lịch nghe rất dễ thương với những câu chuyện của riêng mình xoay quanh những cái tên thú vị mà người dân địa phương đặt cho mỗi ngọn núi, khúc sông nơi đây như: Qua Núi Nhà Thần 500m gặp núi Con Lợn, trên đỉnh núi có tảng đá lớn giống hình con lợn nên nhân dân trong vùng gọi là núi Con Lợn, qua ngã ba Con Lợn là tới Khu Tam Sơn, là thung lũng bằng phẳng xung quanh bằng phẳng xung quanh là vách núi dựng đứng mà ở giữa thung lũng có 3 ngọn núi lớn mang tên núi Gia Định, núi Đầu Cầu và núi Hàng Rựu. Ba ngọn núi này cùng núi Con Lợn và núi Tầm Xăng đều hướng vào núi chùa Bích Động tạo thành bông hoa sen có 5 cánh. Từ đây đi theo dòng sông có tên gọi là Ngòi Rắn, đoạn sông uốn khúc như con rắn đến eo Cá Măng bởi ngọn núi phía bên phải giống hình con cá Măng, phía bên kia sông là hang Hom (ở núi Hòm sách) mặt cửa hang vuông vức giống như chiếc hom mở nắp sang hai phía. Tiếp tục du thuyền 500m là tới đập Đồng Tổ, phía trước mặt là núi Cóc, núi giống hình con cóc đang ngồi.
Từ đền Vối lên thuyền theo hướng Tây đến ngã ba sông cửa Đập Đồng Tổ theo hướng trái là dãy núi Cò Hạc, tay phải là dãy núi Đồng Dạng, qua Đồng Dạng là đến núi Quận Công, đối diện núi Quận Công là Hòn Đá Độn, những đường góc vuông và thẳng của Hòn Đá Độn đối diện với những đường nét cong và mềm mại tại chân núi Quận Công hay còn gọi là núi Trạng tạo ra cảnh sắc kỳ ảo của thiên nhiên, tại đây là cửa hang Thong, thuyền đưa du khách vào hang Thong (hang Thong dài 200m, mặt hang rộng mát mẻ, nhiều nhũ đá tự nhiên, các dải nhũ kéo dài 200m trong hang với nhiều hình thù kỳ tú, hang Thong là điểm nối thung Nắng vào thung Râm. Cửa bên kia hang Thong là hồ nước lớn, ở đây thường có cá Trầu sinh sống, loài cá sống theo đàn và có vị thơm ngon đến kỳ lạ mà nếu ai đã được thưởng thức hẳn sẽ không quên. Trước hồ nước đối diện của hang Thong là đền Thung Nắng.
Giá trị Khảo cổ học
Mái đá Vàng
Đến với Thạch Bích – Thung Nắng chúng ta được trở về với không gian văn hóa, truyền thống cư trú, truyền thống sử dụng vùng đất, vùng biển của người Tiền sử qua di tích khảo cổ mái Đá Vàng, trong đó có hang Vàng hay còn gọi là mái đá Vàng (Toàn bộ khu vực mái đá ánh lên màu vàng).
Với địa hình hiện tại di chỉ mái đá Vàng chia thành hai khu vực, khu thấp hơn có mặt bằng khá phẳng, rộng và ít đá tảng, khu cao hơn có nhiều khối đá lớn có trầm tích ốc bám trên vách mái đá. Di chỉ được phát hiện năm 2008, năm 2012 các nhà khảo cổ học tiến hành khai quật lớp địa tầng dày 1,9m, tìm thấy các công cụ bằng đá, bằng xương, bằng vỏ hàu, sò huyết, trai nước ngọt và nước lợ, đồ gốm, đồ trang sức bằng vỏ ốc biển, di cốt người, xương động vật, vỏ nhuyễn thể nước ngọt và nước biển. Qua các cuộc khai quật khảo cổ học, phân tích c14 ở các mẫu vật cho thấy khu vực nghiên cứu ở thời điểm hoàn toàn không chịu ảnh hưởng của nước mặn do các đợt biển tiến vì vậy nơi đây có dấu tích cư trú thường xuyên, liên tục của con người thời đại Đá mới, tồn tại trước và trong thời kỳ biển tiến Holocene trung (từ 15.630±45 năm đến 5.130±310 năm cách ngày nay).
Hang Ông Hay
Theo nhánh 2, dài khoảng gần 1000m đi vào khu vực di chỉ khảo cổ học hang ông Hay hay còn gọi là mái đá ông. Cũng như cách cư trú của con người thời đại Đá mới, tồn tại trước thời kỳ biển tiến Holocene trung (từ 15.630±45 năm đến 5.130±310 năm cách ngày nay) tại mái đá Vàng, qua điều tra, khai quật khảo cổ học tại đây tìm thấy các di tích bếp, công cụ lao động bằng đá, di cốt động vật, vỏ nhuyễn thể nước ngọt và phân tích c14 mẫu vật năm 2012, có thể khẳng định đây là di chỉ cùng như khu vực cư trú của người Tiền sử. Các bằng chứng từ các di chỉ khảo cổ nơi đây cho thấy khu vực này xưa kia đã là nơi sinh sống của cộng đồng cư dân Tiền sử, cho thấy sự thích nghi, thích ứng, tương tác và bảo tồn thiên nhiên rất tốt qua các phương thức sinh sống qua sự biến động về địa lý và khí hậu để tạo nên không gian văn hóa của người Tiền sử khu vực Tràng An.
(Tuy nhiên hiện nay các hang động khảo cổ mới ở góc độ nghiên cứu bảo tồn chưa đưa vào tham quan du lịch)
Tuyến du lịch Thạch Bích – Thung Nắng còn là đia điểm chúng ta có thể kết nối với các tuyến du lịch xung quanh như: Bái Đính, Tràng An, Thung Nham, hang chùa -Hang Ghé -Hang Bụt… tạo thành tour du lịch hấp dẫn, làm phong phú cho sự lựa chọn của quý khách khi đến với Ninh Bình.