Chùa và động Am Tiên - Xã Trường Yên, huyện Hoa Lư

Cập nhật: 26/11/2020
Chùa và động Am Tiên nằm trong dãy núi Ngũ Phong Sơn, phía Đông Nam khu di tích Cố đô Hoa Lư, thuộc địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đây là cụm di tích chứa đựng nhiều giá trị về không gian cảnh quan kiến trúc, lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng đặc sắc. Năm 1998 di tích được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.

Không gian cảnh quan chùa và động nhìn từ hướng Đông Nam

Chùa và động Am Tiên ngoài thờ Phật còn thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không, người có công tu sửa động và dựng chùa. Ngài là một danh sư, có công lớn đối với triều đình nhà Lý và dân tộc. Công đức của Ngài được ghi chép trong chính sử và lưu truyền trong các truyền thuyết dân gian. Nguyễn Minh Không được xem là vị thiền sư sáng lập nên nhiều ngôi chùa cổ, trong đó có nhiều ngôi chùa nổi tiếng còn tồn tại cho đến ngày nay như chùa Bái Đính cổ, chùa Địch Lộng, chùa Non Nước (Ninh Bình), chùa Keo (Thái Bình), chùa Keo (Nam Định)… Không chỉ tinh thông đạo pháp, Ngài còn tinh thông y thuật, vì có công lớn chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông nên được phong là Quốc sư - vị cao tăng đứng đầu Phật giáo dưới triều đại nhà Lý. 

Bài trí ban thờ Phật trong động

Theo truyền thuyết địa phương và các thư tịch còn lưu giữ tại di tích, vào thế kỷ X, động này vốn là ngục đá, nơi vua Đinh Tiên Hoàng nhốt hổ báo để trừng trị những kẻ phạm tội nặng. Về sau động không dùng làm ngục tù nữa, nhưng tương truyền những oan hồn tử khí vẫn còn trong động. Người dân địa phương đi qua đây thường nghe thấy tiếng ma kêu quỷ khóc, hổ thét, beo gầm, không ai dám đến gần động. Đến thời Lý, Quốc sư Nguyễn Minh Không vào đây đã lấy động làm chùa, ngày ngày tụng kinh thuyết pháp làm cho ma quỷ không kêu rú, hãm hại dân lành nữa. 

Theo văn bia “Đại Chu Ma Sơn Áng Đại Quang Thánh nham bi” niên đại Chính Long Bảo Ứng thứ 4 (năm 1166) khắc trên vách cửa động cho biết: Động này có tên gọi là động Đại Quang Thánh, nằm trên ngọn núi lớn Chu Ma Sơn Áng[1]. Theo văn bia “Tiên Am tự bi Tiên Am thạch lộ chí” do Tuần phủ Phan Đình Hòa soạn vào niên hiệu Bảo Đại thứ 7 (năm 1932) hiện lưu giữ tại di tích cho biết: “Từ khi có Đại Quang Thánh qui ẩn ở động này, sau lấy động làm chùa. Dựa vào Phật Thánh mà biến nhà ngục thành kỳ viên, động biến thành chùa từ đó. Niên hiệu Tự Đức thứ 32 (năm 1879) mới hưng công sửa lại. Các hội chủ quanh vùng luôn chú ý việc sửa sang chùa ngày thêm đẹp đẽ và hội Tập phúc đặt tên cho chùa là Am Tiên”[2].  

Bia khắc trên vách đá niên đại Chính Long Bảo Ứng thứ 4 (1166)

Chùa và động Am Tiên toạ lạc ở lưng chừng núi, quay hướng Tây Nam, phía trước có hồ lớn uốn khúc, bao bọc xung quanh là những dãy núi đá vôi trùng điệp. Văn bia “Tiên Am tự bi ký” niên hiệu Đồng Khánh thứ 2 (năm 1887) cho biết, khi muốn vào động phải trèo qua một “quèn núi cao khoảng 8,9 trượng… trong quèn có ruộng ước hơn 10 mẫu có thể cấy lúa, hai bên núi có cảnh sắc hoang dã, cầm thú, chim muông đối họa, vì vậy gọi là Cổ Am. Núi làm thành bao bọc lấy am, trong núi đá có động. Từ phía dưới men theo cạnh mà lên động”[3]. Văn bia này cũng cho biết thêm “cảnh chùa không biết tạo dựng từ khi nào. Năm thứ 32 đời vua Tự Đức (1879) thấy cảnh chùa hoang vu, cảnh u thảm, vì vậy bản hội đồng lòng tu sửa. Những thứ mục nát thì cẩn thận niêm phong, sơn lại tượng Đại Quang Thánh, sơn lại tượng quốc pháp thiền sư Nguyễn Minh Không ở phủ bên phải, riêng tượng Phật chưa sơn lại được. Đến đời vua Hàm Nghi thì trang hoàng xong hết”.

Gần đây, để thuận tiện cho việc tham quan chiêm bái, di tích đã được cải tạo mở thêm 2 đường hầm ở hai phía để đi vào. Mỗi đường hầm có chiều dài khoảng 200m. Đi hết con đường hầm xuyên qua núi là một thung lũng lòng chảo có con đường nhỏ bằng bê tông bao quanh hồ nước uốn lượn. Dưới chân núi lối lên động có 5 tháp xây 3 tầng - là nơi chôn cất các nhà sư đã trụ trì ở chùa Am Tiên và mất tại đây. Đường lên chùa và động phải vượt qua hơn 200 bậc đá, xếp uốn lượn theo sườn núi, hai bên lối lên có nhiều cây cổ thụ vừa tạo không khí thoáng mát, lại làm tăng thêm vẻ thần bí linh thiêng của chùa và động Am Tiên.

Lối lên chùa và động

Động Am Tiên gồm hai lớp: lớp ngoài chạy dài gọi là cửa động, lớp trong ăn sâu vào lòng núi, hẹp hơn, gọi là Động chính. Nền Động chính được lát đá bằng phẳng. Lòng động cao và rộng, hình bát úp, chỗ cao nhất từ nền lên đến đỉnh khoảng 15m, có thể chứa hàng trăm người, động có nhiều nhũ đá hình cây thóc, cây tiền, trái phật thủ, nụ hoa sen… rủ xuống.  Động chia thành nhiều không gian thờ tự. Ban thờ Hộ pháp đặt ở hai bên cửa động. Ban thờ Đức ông ở bên tay trái, ban thờ Thánh Hiền ở bên phải. Chính giữa động là ban thờ Phật. Lùi về phía sau bên trái ban thờ Phật là ban thờ Tam Toà Thánh Mẫu. Các tượng Phật và tượng Mẫu đều được tạc bằng đá. Phía sau điện Phật trước kia có một hang sâu thăm thẳm, cửa hang nhỏ chỉ bằng miệng thúng, không ai dám xuống, nhân dân ở đây quen gọi là “họng rồng[4]. Hang này hiện nay đã được cải tạo, mở rộng, có bậc lên xuống, dưới cùng có một giếng nước trong vắt, được đặt tên là giếng “Giải oan”. 

Nằm trong cụm di tích này còn có di tích chùa Am Tiên, công trình này mới được đầu tư tu sửa, tôn tạo và mở rộng, kiến trúc 2 tầng 4 mái, có đao, lợp ngói âm dương. Các cấu kiện kiến trúc bên trong làm bằng gỗ lim, chạm khắc lá lật cách điệu, soi chỉ tạo đường nét mềm mại, thanh thoát. Ở tiền đường còn có hệ thống cửa võng sơn son thếp vàng, điểm thêm nét linh thiêng của nơi thờ tự. 

Không gian nội thất chùa

Chùa và Động Am Tiên còn lưu giữ được những di vật có giá trị. Ở vách đá bên phải động có tấm bia ma nhai “Đại Chu Ma Sơn Áng Đại Quang Thánh nham bi” (Nghĩa là: bia khắc ở vách hang động Đại Quang Thánh trên ngọn núi lớn Chu Ma Sơn Áng), kích thước 155cm x 82cm. Trán bia khắc một bông sen mãn khai, toàn văn có khoảng 385 chữ, chữ trên bia do thời gian, mưa nắng bào mòn nên rất mờ, nhiều chữ khó đọc. Bia đề niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 4 (1166). Bên trái động dựng ba tấm bia, trong đó có hai bia đá thời Nguyễn niên đại Đồng Khánh thứ 2 (năm 1887), Bảo Đại thứ 7 (năm 1932) và một bia không có chữ. Nội dung hai tấm bia đều nói về lịch sử tên gọi của chùa và quá trình tu sửa chùa. Vách đá bên trái cửa động có treo một quả chuông nhỏ.

Ngoài vẻ đẹp về không gian cảnh quan kiến trúc, chùa và động Am Tiên còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị. Đây là nguồn sử liệu có giá trị trong việc tìm hiểu nghiên cứu về vùng đất cố đô Hoa Lư, về nhà nước Đại Cồ Việt, về các sự kiện, nhân vật lịch sử; qua đó góp phần giới thiệu tinh hoa văn hoá truyền thống vùng đất địa linh nhân kiệt trong dòng chảy văn hoá truyền thống dân tộc. 

 Chú thích:

(1),(2), (3). Tư liệu Hán Nôm di tích chùa và động Am Tiên, Tư liệu Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình lưu giữ.

(4). Lã Đăng Bật, Ninh Bình một vùng sơn thủy hữu tình, Nxb. Trẻ,TP HCM, Tr.97

Nguồn: Sách Di tích và Danh thắng Ninh Bình tập 1, NXB Văn hóa dân tộc.

Nguồn: https://vhtt.ninhbinh.gov.vn