Đền Trần và chùa Phổ Minh là cụm di tích tiêu biểu trong hệ thống di tích thời Trần. Quá trình hình thành và tồn tại của di tích đền Trần và chùa Phổ Minh gắn liền với những nhân vật lịch sử thời Trần. Triều đại nhà Trần tồn tại 175 năm (1225 – 1400), đã để lại cho dân tộc ta những thành tựu to lớn về nhiều lĩnh vực: chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, quân sự…
Khu di tích đền Trần gồm đền thiên Trường, đền Cố Trạch, đền Trùng Hoa. Ba ngôi đền có kiến trúc truyền thống, chung một cổng vào phía trên có bức đại tự chữ Hán “ Trần Miếu” (miếu nhà Trần) và phía dưới là ba chữ lớn “Chính Nam Môn” (cổng chính quay về phía nam) vì thế đền Trần còn là tên gọi chung cho cả 3 đền.
Đền Thiên Trường (đền Thượng)
Là nơi thờ Tiên tổ họ Trần, 14 vị Hoàng đế và các đế hậu đế phi triều Trần ở Tức Mặc. Công trình được khởi dựng vào năm Chính Hòa thứ 15 (1694) trên nền cung điện Trùng Quang, nơi ngự của các Thượng hoàng thời Trần. Đến thời Nguyễn vào các đời vua Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân di tích được trùng tu, mở rộng và hoàn thiện như ngày nay.
Trong đền hiện còn lưu giữ rất nhiều di vật cổ như hệ thống chân tảng đá hoa sen có niên đại từ thời nhà Trần hay bộ cánh cửa trạm rồng bằng gỗ lim có niên đại từ thời kỳ Hậu Lê.
Đền Cố Trạch (đền Hạ)
Là nơi thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng gia quyến, gia tướng tâm phúc của Ngài. Với những cống hiến trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước thời Trần, đặc biệt với thiên tài quân sự đã đưa Trần Hưng Đạo vào hàng 10 vị tướng tài giỏi nhất thế giới. Nhân dân suy tôn Ngài là Đức Thánh Trần, các thế hệ người Việt xưng tôn làm “Cha” và xây dựng hàng nghìn đền thờ để tri ân ở khắp nơi, trong đó có đền Cố Trạch tại làng Tức Mặc, quê hương của Ngài.
Ngôi đền được phục dựng vào triều Nguyễn đời vua Thành Thái năm thứ 7 (1895) trên nền nhà cũ của Hưng Đạo Đại Vương.
Đền Trùng Hoa
Là nơi thờ tượng 14 vị hoàng đế triều Trần. Năm 2000 nhân dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội, đền được phục dựng lại trên nền cung điện Trùng Hoa xưa - nơi ngự của các vị vua tại vị mỗi khi về chầu Thượng hoàng ở cung Trùng Quang. Với ý nghĩa đó, đền Trùng Hoa cũng là nơi tưởng niệm các vua Trần.
Trong đền bài trí thờ 14 tượng vua Trần được đúc bằng đồng, biểu đạt thời kỳ tinh túy nhất của các đấng quân vương trong việc lãnh đạo xây dựng và bảo vệ đất nước thời Trần.
Trong khuôn viên đền còn có Nhà trưng bày một số tư liệu, hình ảnh, hiện vật về thời Trần và cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông – Nguyên của Đại Việt ở thế kỷ XIII – XIV.
Chùa Phổ Minh (Chùa Tháp)
Chùa xây dựng từ thời Lý. Năm 1262, Thượng hoàng Trần Thái Tông thăng hương Tức Mặc thành phủ Thiên Trường và xây dựng mở rộng quy mô chùa Phổ Minh thành nơi tu hành của hoàng thân, quốc thích, vương phi, công chúa triều Trần. Chùa đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần vào các triều Mạc, Lê Trung hưng và Nguyễn.

Dưới triều Trần, chùa Phổ Minh là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông mở hội Vô lượng, bố thí vàng, bạc, tiền lụa để chẩn cấp cho dân nghèo trong nước và giảng kinh giới thí. Đồng thời, ở đây còn là một trong những trung tâm Phật giáo lớn, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, một thiền phái mang đậm dấu ấn văn hóa Việt. Hiện nay tại Thượng điện chùa Phổ Minh có tượng Đệ nhất Tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn cùng hai vị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm là: Pháp Loa và Huyền Quang. Đặc biệt, phía trước chùa có tháp Phổ Minh cao 19,51m, một công trình kiến trúc tiêu biểu thời Trần còn lại đến nay, tương truyền là nơi đặt xá lị của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông.
Cụm di tích đền Trần và chùa Phổ Minh đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là điểm đến hấp dẫn cho du khách và tín đồ phật tử thập phương trong các dịp lễ hội truyền thống của dân tộc, nhất là lễ hội đền Trần được tổ chức vào tháng Giêng âm lịch hàng năm