Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư thuộc Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - Quần thể danh thắng Tràng An, là điểm đến đặc biệt, mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử và nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt mỹ. Mùa xuân về trên Cố đô Hoa Lư mang đến một bức tranh thiên nhiên và văn hóa tuyệt đẹp, thu hút du khách thập phương đến chiêm bái, du ngoạn và tận hưởng không khí linh thiêng nơi mảnh đất kinh đô xưa.

Năm 968, sau khi bình định 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng và chọn Hoa Lư làm kinh đô của nước Đại Cồ Việt. Kinh đô Hoa Lư được bao quanh bởi trùng điệp lớp lớp núi đá vòng cung dựng tường thành, sông bao quanh làm hào, giữa là cung điện triều nghi. Kinh đô Hoa Lư có thế phòng thủ quân sự vững chắc bất khả xâm phạm, còn được nhân dân ta gọi là “Kinh đô đá”. Sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long (1010), Hoa Lư trở thành Cố đô và được đổi tên thành phủ Trường Yên.
Cố đô Hoa Lư là Kinh đô cổ tồn tại suốt 42 năm (968-1010), là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam. Nơi đây đã diễn ra rất nhiều sự kiện có liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc như: gắn với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô tại Hà Nội. Kinh đô Hoa Lư xưa rộng khoảng 300ha, gồm Thành Ngoại, Thành Nội và Thành Nam, được bao quanh bởi hàng loạt núi đá vòng cung, khoảng trống giữa các sườn núi được xây kín bằng đất ken gạch, chân thành có gạch bó, đắp cao từ 8-10 mét. Thành Ngoại rộng khoảng 140 ha thuộc địa phận thôn Yên Thành, xã Trường Yên. Ðây là cung điện chính mà khu vực đền thờ vua Ðinh, đền thờ vua Lê là trung tâm. Ngày nay hình ảnh của Kinh đô Hoa Lư tuy không còn nguyên vẹn mà thay vào đó là đền thờ Vua Đinh, Vua Lê được xây dựng ngay trên nền của kinh thành xưa. Hai ngôi đền có khoảng cách gần nhau nên du khách thường gọi “Cố đô Hoa Lư ” là “ Đền Vua Đinh - Vua Lê ”.

Nằm trong vùng lõi của Quần thể di sản thế giới Tràng An, khu di tích Cố đô Hoa Lư với vẻ đẹp thanh bình, trầm mặc ghi sâu dấu ấn của thời gian, nhưng vẫn đầy uy nghi gợi nhớ về một thuở vàng son rực rỡ. Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích Quốc gia năm 1962 và được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012.
Cố đô Hoa Lư là quần thể di tích quốc gia đặc biệt, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu; Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nơi đây đã trở thành một vùng văn hóa đặc sắc, đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ, truyền tải các giá trị văn hóa từ xa xưa để lại. Trong quá trình xây dựng Đô thị Di sản thiên niên kỷ, ngoài việc gìn giữ, phát huy các giá trị của các di sản, thì việc nâng tầm di tích quốc gia đặc biệt cố đô Hoa Lư, tương xứng với đô thị di sản trong tương lai là một trong những việc làm cần thiết.
Khi những cơn gió xuân nhẹ nhàng thổi về, mang theo hơi thở ấm áp và trong lành, Cố đô Hoa Lư - vẻ đẹp ngàn năm lịch sử - lại khoác lên mình tà áo màu xanh tươi của cây cỏ, hoa lá. Mùa xuân về trên Cố đô Hoa Lư không chỉ mang đến vẻ đẹp thiên nhiên tươi mới, mà còn đánh thức trong lòng du khách niềm tự hào về một thuở hoàng kim của lịch sử dân tộc Việt Nam.