07 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Ninh Bình

Cập nhật: 10/09/2024
Ninh Bình được biết đến là kinh đô của Việt Nam với 3 triều đại Đinh – Tiền Lê – Lý, nơi đây sở hữu nhiều di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng, đánh dấu những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam. Là tỉnh có bề dày lịch sử và truyền thống văn hiến lâu đời, Ninh Bình lưu giữ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc hòa quyện trong cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ của núi non, sông hồ và đặc biệt là hệ thống các hang động lung linh, huyền ảo. Trong hệ thống các di sản tại Ninh Bình có 07 Di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận cấp quốc gia bao gồm: Lễ hội Cố đô Hoa Lư, Nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, nghệ thuật trình diễn dân gian hát Xẩm, Lễ hội làng Bình Hải, Nghề thêu ren Ninh Hải, Mo Mường ở Ninh Bình và Nghề cói Kim Sơn.

Lễ hội Hoa Lư - Ninh Bình

1. Lễ hội Hoa Lư

Lễ hội Hoa Lư là lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm vào dịp tháng 3 âm lịch nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh và các bậc tiền nhân đã xây dựng kinh đô Hoa Lư, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt và mở đầu thời kỳ độc lập, thống nhất lâu dài của người Việt suốt các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần.

Lễ hội Hoa Lư được tổ chức từ ngày mùng 9 đến 11 tháng 3 âm lịch hàng năm tại Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư nhằm nêu cao đạo lý uống nước nhớ nguồn, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Lễ hội bao gồm phần Lễ và phần Hội. Phần Lễ gồm nhiều nghi thức, đặc biệt là tổ chức rước nước ở bến Trường Yên (sông Hoàng Long) và tế lễ rất trang nghiêm ở hai đền vua Đinh và vua Lê. Phần Hội tổ chức diễn trò “Cờ lau tập trận”, những trò chơi dân gian như: đấu vật, thi viết thư pháp, cờ tướng, múa rồng, kéo chữ...

Lễ hội Hoa Lư được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2014.

2. Nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân

Làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân thuộc làng Xuân Vũ, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, là một làng nghề chạm khắc đá nổi tiếng và độc đáo trong và ngoài tỉnh. Nghề chạm khắc đá ở đây có từ rất lâu đời, trải qua biết bao thế hệ, cùng với những biến cố thăng trầm của lịch sử. Từ những hòn đá sù sì, qua bàn tay của người thợ đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo. Sản phẩm đá gồm các loại: tượng, chim thú, bể cảnh, bia, thống, chậu hoa, bàn, ghế, sập, hương án, ngai, cầu, cổng, ngưỡng cửa, xà nhà...Tất cả đều được chạm khắc tinh tế, sống động, đường nét tao nhã, uyển chuyển, mềm mại, bởi đôi bàn tay và khối óc của các nghệ nhân.

Nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2019.

3. Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Xẩm

Hát Xẩm là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian có nội dung ca từ độc đáo, tiêu biểu của Việt Nam. Trong các loại hình âm nhạc truyền thống của dân tộc, có lẽ chỉ duy nhất hát Xẩm được gọi với tư cách là một nghề để kiếm sống. Nghệ thuật hát Xẩm ở Ninh Bình gắn liền với cố Nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú Hà Thị Cầu – Bà chính là nghệ nhân cuối cùng còn hành nghề hát Xẩm. 

Nghệ thuật hát Xẩm được hình thành bởi một hệ thống bài bản và âm nhạc riêng biệt, đặc trưng. Với các nhạc cụ như đàn bầu, đàn nhị, sênh sứa, trống mảnh, đàn hồ, trống cơm, thanh la, người nghệ sĩ/nghệ nhân biểu diễn hát Xẩm tự thêm hoặc bớt các nhạc cụ cho phù hợp với môi trường, hoàn cảnh và làn điệu biểu diễn.

Với ý thức giữ gìn văn hóa âm nhạc truyền thống, nghệ thuật hát Xẩm Ninh Bình được coi là “kho tàng tri thức” mà cộng đồng người dân Ninh Bình đã sáng tạo, thực hành và truyền dạy, phổ biến cho các thế hệ sau. 

Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Xẩm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2022.

4. Lễ hội làng Bình Hải

Làng Bình Hải thuộc xã Yên Nhân, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Lễ hội làng Bình Hải được tổ chức hàng năm từ ngày mùng 10 đến hết ngày 12 tháng 2 âm lịch nhằm tôn vinh vị thánh được thờ tự tại các di tích trong làng (Tứ Hải đại vương: Linh Công Đại vương, Ngọc Công, Tú Công, Tam Nương và Đức Thánh Tam Giang). Lễ hội làng Bình Hải có những nghi thức độc đáo như tục chạy đàn trước khi rước kiệu, rước thánh, rước nước dài hàng cây số, lễ tế Thánh, tục Nấu dấu (bài thuốc dấu), lễ tế đàn ngoại…

Với những giá trị đặc sắc, lễ hội làng Bình Hải được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2021 theo Quyết định số 78/QĐ-BVHTTDL ngày 12 tháng 01 năm 2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

5. Mo Mường ở Ninh Bình

Mo là một sinh hoạt tín ngưỡng đặc sắc, có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Mường. Mo không chỉ là nghi lễ được diễn xướng trong tang mà còn hàm chứa tổng thể những giá trị tích hợp hình thành nên văn hóa Mường truyền thống. Mo Mường ở Ninh Bình không chỉ mang những đặc trưng củ Mo Mường nói chung mà còn mang những sắc thái địa phương riêng có của người Mường ở nơi đây.

Không gian thực hành di sản văn hoá Mo Mường ở Ninh Bình tập trung tại huyện Nho Quan nơi có đông đảo đồng bào Mường sinh sống (bao gồm các xã: Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Xích Thổ, Thạch Bình, Yên Quang, Văn Phương, Quảng Lạc) và thành phố Tam Điệp (01 xã: Yên Sơn). Người Mường tại đây đã có lịch sử cư trú lâu đời, còn bảo lưu được những nét văn hoá Mường truyền thống, ít có sự đan xen, giao thoa với văn hoá các dân tộc khác.

Mo Mường ở Ninh Bình được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2024.

6. Nghề thêu ren Ninh Hải

Làng nghề thêu ren Ninh Hải thuộc huyện Hoa Lư, nằm trong khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Tương truyền nghề thêu ren ở đây có từ thời nhà Trần cách đây trên 800 năm. Bà Trần Thị Dung, vợ Thái sư Trần Thủ Độ, đã truyền dạy cho người dân địa phương nghề thêu ren. Bằng những sợi chỉ mảnh mai, cùng những miếng vải rộng, hẹp, đủ màu sắc, với đôi bàn tay khéo léo, người thêu ren đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật sống động, mịn màng như những nét vẽ. Sản phẩm thêu ren rất phong phú: quần, áo, ga trải giường, rèm cửa, gối, khăn bàn, tranh, ảnh...được du khách trong nước và quốc tế rất ưa chuộng.

Làng nghề thêu ren Ninh Hải được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2024.

7. Nghề cói Kim Sơn

Nghề cói ở Kim Sơn có lịch sử hình thành lâu đời, tồn tại và được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Trong suốt chiều dài lịch sử, nghề cói Kim Sơn luôn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của người dân huyện Kim Sơn.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Kim Sơn có 23 làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề cói, trong đó một số làng nghề tiêu biểu bao gồm: làng nghề Trí Chính, làng nghề Kiến Thái và làng nghề Thủ Trung (xã Kim Chính); làng nghề Đồng Bắc, làng nghề Hướng Đạo (xã Đồng Hướng); làng nghề Ninh Mật, làng nghề Yên Thổ (xã Yên Mật); làng nghề Yên Bình, làng nghề Yên Lộc, làng nghề Tây Bắc, làng nghề Mỹ Hợp, làng nghề Tân Khẩn và làng nghề Văn Hải (xã Thượng Kiệm)…

Tuy có những bước thăng trầm nhưng nghề cói vẫn đang phát triển và làm thay đổi điện mạo đời sống kinh tế - xã hội của một vùng đất, thu hút mọi lứa tuổi lao động nghề nghiệp, gắn kết từng gia đình, dòng họ, xóm làng. Đây chính là nét đẹp văn hóa truyền thống thiêng liêng, bền vững có được trong quá trình khai hoang lấn biển, mang cốt cách riêng của người dân Kim Sơn.

Nghề cói Kim Sơn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 4 năm 2024./.

 

Nguồn: Nguyễn Loan