Ninh Bình nổi tiếng có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và làng nghề truyền thống còn lưu tồn đến ngày nay. Trong số đó phải kể đến làng gốm Bồ Bát – nơi được xem là làng nghề gốm sứ thuở sơ khai, là “Tổ nghề” của làng gốm Bát Tràng ngày nay.
Làng gốm cổ Bồ Bát xưa, nay là làng Bạch Liên, thuộc xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, vốn là làng nghề nổi danh với nhiều sản phẩm gốm sắc trắng độc đáo và tinh tế. Nơi đây có loại đất sét Bồ Di còn gọi là đất non sương rất quý hiếm. Loại đất này có đặc điểm tạo nên dòng men trắng, chỉ cần nung 50 – 70% thời gian so với các loại đất khác nhưng vẫn bảo đảm chất lượng về độ mịn, cứng, sau khi nung sản phẩm ít bị nứt, vỡ hơn so với các loại đất sét khác.
Gốm Bồ Bát đã có hàng nghìn năm lịch sử. Vào năm 1999, các nhà Khảo cổ học tiến hành khai quật khu di chỉ Mán Bạc thuộc thôn Bạch Liên và đã tìm thấy 15 mộ và 17 cá thể cùng nhiều đồ dùng làm từ gốm như: chuỗi hạt, vòng gốm, các đồ gốm thô, gốm men trắng… Theo sử sách ghi lại, chính những nghệ nhân của thôn Bạch Liên đã theo triều đình nhà Lý (năm 1010) dời đô về Thăng Long, định cư ở vùng ven sông Hồng nơi có nhiều đất sét tốt để làm gốm và lập nên làng gốm Bát Tràng ngày nay. Từ đó người dân Bồ Bát không còn giữ được nghề truyền thống và nghề gốm ở đây đã bị thất truyền.
Gốm Bồ Bát đã từng hưng thịnh, thất truyền, rồi tái phát triển góp phần hồi sinh những giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất cố đô cổ kính, bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời của cha ông. Ngày nay, sản phẩm gốm, sứ Bồ Bát rất đa dạng, từ những vật dụng sinh hoạt như ấm chén, bát đĩa, lọ hoa… đến những sản phẩm lưu niệm, trang trí như chuông gió, vòng cổ, tranh gốm mỹ thuật… tất cả đều được chế tác tinh xảo, phủ màu men gan – loại men giả cổ, trắng và sâu men, độ bền cơ học tốt, độ mịn cao. Bằng sự khéo léo và tình yêu quê hương, qua bàn tay của những nghệ nhân còn rất trẻ, các sản phẩm được tạo hình đẹp, những danh thắng nổi tiếng của quê hương như: Cố đô Hoa Lư, bến thuyền Tràng An, chùa Bái Đính, Tam Cốc – Bích Động… được vẽ trang trí trên sản phẩm, tạo nên nét độc đáo riêng có.
Gốm Bồ Bát ngày nay không những đã nổi danh khắp cả nước mà còn vươn ra các thị trường tiểu ngạch như Mỹ hay Nhật Bản, đây là cơ hội cho gốm Bồ Bát thử sức tại các thị trường khó tính, bên cạnh đó vẫn giữ được bản sắc riêng của Việt Nam trên thị trường quốc tế, từ đó góp phần quảng bá hình ảnh ấn tượng về vùng đất Cố đô ngàn năm lịch sử./.