Cách Cố đô Hoa Lư 15km và thành phố Ninh Bình 20km về phía Bắc, đền Thung Lá thuộc xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Với vẻ trầm mặc, nên thơ, đây là địa điểm linh thiêng thờ Quốc Mẫu, một trong những điểm du lịch về nguồn linh thiêng ở Ninh Bình.
Đền Thung Lá nằm trong một thung lũng khá sâu, được bao quanh bởi năm ngọn núi lớn. Đền Thung Lá là một di tích gắn liền với truyền thuyết về vua Đinh Tiên Hoàng. Để vào được đền Quốc mẫu Thung Lá, du khách đi qua quèn có độ dốc thoai thoải với gần 100 bậc thang lên xuống. Phía trước đền có giếng nước, miệng giếng được làm bằng đá xanh chạm khắc nhiều hình như: rồng, rùa, chim, hoa cúc,… Đền Thung Lá có kiến trúc kiểu "Tiền nhị, hậu Đinh" – Hán tự. Tiền bái ba gian mở ra ba cửa, không có hiên, trên đắp lưỡng long chầu nguyệt, phía sau thông với hậu cung. Qua sân gạch là Nhà Tiền tế gồm 5 gian, mái được lợp bằng ngói, bên trong có ban thờ Trần Triều.
Bên trong Hậu cung phía trước thờ Công đồng các Quan, tiếp đó là tượng Quốc mẫu Anh linh được đặt trong khám sơn son thiếp vàng, nét mặt hiền từ phúc hậu, gần gũi mà huyền bí linh thiêng. Trên cùng là ban thờ Tam tòa Thánh Mẫu (đó là Đệ Nhất Thượng Thiên, Đệ Nhị Thượng Ngàn và Đệ Tam Thoải Phủ), đây là các nhân vật trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt xưa. Bên tay phải trong Hậu cung thờ các Quan, bên tay trái thờ Chúa Thượng Ngàn. Phía bên ngoài giáp núi có cung Sơn Trang (hay còn gọi là Động Sơn Trang).
Tương truyền, xưa kia có một nữ Vương bói lá rất giỏi, thường xem lá cho Vua Đinh Tiên Hoàng trước khi xuất quân hay làm một việc gì đó, bà có công lao giúp Vua Đinh dẹp loạn. Nơi này cũng có nhiều cây thuốc chữa bệnh tốt nên khi nghĩa quân Vua Đinh bị thương đều được đưa từ Thung Lau về Thung Lá chữa trị qua một quèn nhỏ. Người ta cũng kể rằng: Thung Lá là vùng rừng thiêng nên mọi người thường vào đây thắp hương trước khi đi rừng.
Môi trường tự nhiên và văn hóa ở đây được chính quyền và người dân chung tay bảo vệ nên đền Thung Lá là địa điểm rất bình yên với nhiều cây xanh bao quanh. Với lối kiến trúc “Tiền nhị, hậu đinh” cùng những bức phù điêu bằng đá với họa tiết hoa văn cầu kỳ tạo thêm cho nơi đây sự hài hòa, thanh tịnh và cổ kính.
Hiện nay tại đền Thung Lá, vào mỗi dịp đầu xuân du khách thường đến rất đông để cầu một năm mới tốt lành và để thực hành hoặc thưởng thức các giá đồng – một loại hình văn hóa đặc sắc trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam.
Tới tham quan và chiêm bái đền Thung Lá du khách như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh bởi cảnh đẹp sơn thủy hữu tình của núi non, của những con đường dài đi đến động, những thảm cỏ xanh mướt trên triền đê. Nơi đây thực sự là một điểm du lịch tuyệt vời trở về với cội nguồn dân tộc - nơi cha ông ta đã đấu tranh kiên cường chống giặc ngoại xâm, mở mang bờ cõi./.