Ninh Bình là miền đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Luôn tự hào đã từng là kinh đô của ba vương triều: Đinh – Lê – Lý và là nơi đã sản sinh những danh nhân, những bậc hiền tài làm rạng danh dân tộc, rạng danh đất Ninh Bình. Nhắc đến nhà nước Đại Cồ Việt không thể không nhắc tới một vị danh tướng mà tên tuổi của ông gắn liền với chiến công huyền thoại dẹp loạn 12 sứ quân, phò tá vua Đinh dựng nước, xây dựng quốc gia hưng thịnh đó là Định Quốc Công Nguyễn Bặc.
Nguyễn Bặc sinh năm Giáp Thân (924) ở Sách Bồng, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Nguyễn Bặc cùng tuổi, cùng quê với Đinh Bộ Lĩnh. Thuở nhỏ cùng nhau tập trận cờ lau, lớn lên lại kết nghĩa anh em với nhau. Năm Đinh Hợi (951), Đinh Bộ Lĩnh dấy nghĩa ở đội Linh Sơn, động Hoa Lư để dẹp 12 sứ quân, quy giang sơn về một mối. Ông đã tham gia khởi nghĩa và là vị tướng tài ba của Đinh Bộ Lĩnh. Ông cùng với Vua Đinh Tiên Hoàng hoàn thành sứ mệnh lịch sử thống nhất giang sơn.
Năm Mậu Thìn (968), Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Phong cho Nguyễn Bặc là Định Quốc Công, vị trí như Tể tướng trong triều nhà Đinh. Ông đã giúp vua Đinh Tiên Hoàng trong việc dựng chính quyền tập trung, thống nhất, lập triều nghi, xây cung điện, chấn hưng kinh tế, đắp thành quách, đào hào, củng cố nền độc lập. Chính ông đã cho đắp bốn chữ lớn “Bắc môn tỏa thược” (Khoá lại cửa ngõ phương Bắc).
Do có nhiều công lao to lớn với nhà Đinh và với đất nước, khi mất Nguyễn Bặc được nhân dân lập đền thờ ở nhiều nơi. Trong đó đền chính là từ đường Nguyễn Tộc tại thôn Vĩnh Ninh, Gia Viễn, Ninh Bình. Tại kinh thành Huế, Vua Minh Mạng cho xây miếu thờ các vị vua và danh tướng qua các triều đại, trong đó có Nguyễn Bặc.
Hàng năm, đến 15/10 âm lịch là ngày mất của Nguyễn Bặc, rất đông dân chúng, du khách thập phương về thôn Vĩnh Ninh, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn để làm lễ dâng hương trước mộ. Theo các gia phổ Họ Nguyễn và tài liệu “Lược sử họ Nguyễn tại Việt Nam”, ông được coi là bậc tiền thủy tổ họ Nguyễn ở Việt Nam.