Du lịch làng nghề là loại hình du lịch văn hóa tổng hợp đưa du khách tới tham quan, cảm nhận các giá trị văn hóa và mua sắm những hàng hóa đặc trưng của các làng nghề. Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển loại hình này, song du lịch làng nghề ở Ninh Bình hiện đang gặp nhiều khó khăn và chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh vốn có.
Khách du lịch tham quan khu Trung tâm trưng bày làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân. Ảnh: Minh Đường
Mảnh đất giàu tiềm năng
Ninh Bình ngoài việc được thiên nhiên ưu ái cho nhiều địa danh nổi tiếng đây còn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử với sự đa dạng của các làng nghề có tuổi đời hàng trăm, hàng nghìn năm tuổi. Theo thống kê hiện nay Ninh Bình có 83 làng nghề truyền thống thuộc nhiều nhóm ngành nghề khác nhau, hiện diện ở khắp các địa phương. Nhiều làng nghề nổi tiếng được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến như làng nghề thêu ren Văn Lâm, làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân, làng nghề cói mỹ nghệ Kim Sơn, làng nghề gốm Bồ Bát, Gia Thủy hay các làng nghề trồng đào phai, trồng hoa… Đây là tiền đề, cơ hội tốt để du lịch làng nghề phát triển.
Nhận thấy tiềm năng to lớn giữa du lịch với làng nghề, những năm qua, nhiều địa phương đã phát triển làng nghề gắn với khai thác du lịch. Nhờ tính độc đáo, mang đậm nét giá trị truyền thống, văn hóa bản địa, du khách luôn cảm thấy sự khác biệt khi có dịp đến tham quan, tìm hiểu những địa điểm như vậy. Làng nghề thêu Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư là một minh chứng thành công cho sự "cộng hưởng" hài hòa đó.
Nghệ nhân ưu tú Vũ Thị Hồng Yến, đại diện Ban Chấp hành Hiệp hội làng nghề thêu Văn Lâm cho biết: "Làng nghề thêu Văn Lâm có tuổi đời gần 1.000 năm, có giai đoạn làng nghề đã có nguy cơ thất truyền, mai một. Song những năm gần đây, với việc gắn khai thác du lịch với phát triển làng nghề nên ngày càng nhiều du khách biết đến sản phẩm của làng thêu, làng nghề truyền thống cũng từng bước được phục hưng và mở rộng."
Bà Yến phân tích: "Nếu nói về mặt kinh tế thì sản phẩm làng nghề tại khu điểm du lịch sẽ có lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với sản phẩm bày bán tại khu vực riêng lẻ. Hàng ngày tại Khu du lịch Tam Cốc đón tiếp hàng nghìn du khách, tương ứng sẽ có rất nhiều du khách tìm hiểu và mua sắm các sản phẩm của làng thêu Văn Lâm về làm quà. Điều này giúp chúng tôi hiện thực hóa mục tiêu "xuất khẩu tại chỗ" đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Tuy nhiên, giá trị lớn nhất mà du lịch làng nghề mang lại chính là giá trị văn hóa, lịch sử giúp mỗi người dân Văn Lâm quảng bá, giới thiệu tinh hoa nghề thêu đến bạn bè trong nước và quốc tế, từ đó giúp bảo tồn và phát triển làng nghề của cha ông."
Tương tự tại làng nghề Sinh Dược, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, vốn nổi tiếng với rất nhiều bài thuốc quý của Thiền sư, danh y Nguyễn Minh Không lại nằm ở vị trí thuộc Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, nên ngay từ khi thành lập, HTX Sinh Dược đã sớm khai thác loại hình du lịch làng nghề và thực tế mô hình này đang ngày càng phát huy hiệu quả.
Ông Nguyễn Hữu Phương, Thành viên Hội đồng quản trị HTX Sinh Dược thông tin: Từ năm 2007 HTX đã xác định sản xuất hàng hóa gắn với du lịch nên đã tổ chức mọi thứ theo khuôn khổ, bài bản. Từ việc bố trí khu vườn 6ha trồng cây thảo dược vừa là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu vừa là khu du lịch sinh thái cho du khách, đến việc bố trí khu tắm, khu tham quan, mua sắm sản phẩm của bà con xã viên. Việc kết hợp giữa du lịch - làng nghề đã giúp làng nghề ngày càng phát triển và đồng thời du khách cũng được tìm hiểu, mua sắm những sản phẩm thảo dược về làm quà. Trung bình mỗi tháng chúng tôi đón khoảng 30 đoàn du khách về tham quan, trao đổi kinh nghiệm, doanh thu trung bình đạt khoảng 3 tỷ đồng/tháng."
Có thể nói, giữa du lịch và làng nghề có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau. Ở đó làng nghề không chỉ sản xuất ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc biệt, có giá trị sử dụng và giá trị nghệ thuật cao, đặc trưng cho văn hóa vùng miền, mà còn là tài nguyên du lịch góp phần làm cho hoạt động du lịch được phong phú, đa dạng. Ngược lại, hoạt động du lịch, mua sắm, tham quan của du khách sẽ góp phần quảng bá, phát triển làng nghề bền vững hơn.
Tìm hướng đi cho du lịch làng nghề
Với đa dạng các làng nghề từ sản phẩm thủ công, sản phẩm nông nghiệp, đông dược,… trúng với "gu" của khách du lịch, lại có cảnh đẹp tự nhiên và lịch sử văn hóa lâu đời, Ninh Bình có rất nhiều "điểm cộng" để phát triển loại hình du lịch làng nghề. Song, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, bên cạnh một số làng nghề đã thực sự là điểm đến du lịch, "níu chân" du khách ở lại khám phá, tìm hiểu và trải nghiệm, hầu hết các làng nghề mới chỉ là "nơi ghé chân", "lướt qua", thậm chí khó liên kết với hoạt động du lịch.
Bà Dương Thị Thanh, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình cho biết: "Du lịch làng nghề không chỉ đơn thuần là đến xem các nghệ nhân làng nghề làm ra sản phẩm, hay đến mua sắm, tham quan mà khách du lịch còn mong muốn được tìm hiểu những giá trị nhân văn trong đó, những giá trị phi vật thể tồn tại qua thời gianở làng nghề. Tuy nhiên, việc khai thác này ở các làng nghề còn khiêm tốn, chưa được tổ chức một cách quy mô, có hệ thống. Chưa kể hạ tầng giao thông đi lại khó khăn, nguy cơ thất truyền, mai một cũng khiến việc phát triển du lịch làng nghề gặp khó."
Thực tế, Ninh Bình có rất nhiều làng nghề độc đáo song lại chưa thể trở thành điểm đến độc lập đối với hoạt động du lịch. Hầu hết, du khách chỉ đến tham quan, mua một số sản phẩm nhưng cũng chưa hiểu hết giá trị, tính độc đáo của sản phẩm. Ngoài ra, quy mô làng nghề, không gian thực hành nghề còn đơn điệu, chưa lôi cuốn, thu hút du khách đến và trải nghiệm được nhiều.
Tiến sỹ Vũ An Dân, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Phát triển du lịch, Trường Đại học Mở Hà Nội, nguyên Ủy viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam cho rằng: Tiềm năng du lịch làng nghề là không thể phủ nhận, nó chính là tiền đề để chúng ta tiến tới phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững. Song du lịch làng nghề ở Việt Nam nói chung và ở Ninh Bình nói riêng đang ở giai đoạn bắt đầu. Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để tránh lãng phí nguồn "tài nguyên" quý giá này.
Đầu tiên, cần phải làm cho khách du lịch biết rằng Ninh Bình không chỉ là nơi được ví như "Hạ Long trên cạn" mà nơi đây còn có rất nhiều làng nghề, đáp ứng nhu cầu của du khách. Lúc này không thể rời xa được công nghệ 4.0 sẽ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động marketting, quảng bá du lịch làng nghề. Tuy nhiên ở giai đoạn đầu tiên, phải nhờ các kênh truyền thống là các công ty du lịch lữ hành đưa khách đến. Họ chính là những nền tảng đầu tiên lan tỏa những sản phẩm, trải nghiệm tại làng nghề Ninh Bình.
Về lâu dài, cần xây dựng một tổ chức quản lý điểm đến du lịch. Bởi nếu để các làng nghề tự mình tiếp thị và gắn kết với du lịch thì rất khó. Các làng nghề cần một "nhạc trưởng" để điều phối chung. Ngoài ra, địa phương cần có cơ chế khuyến khích phát triển du lịch làng nghề, đồng thời quy hoạch, phát triển làng nghề sao cho phù hợp. Bởi thực tế, du lịch làng nghề không chỉ dừng lại ở hoạt động tham quan, mua sắm mà du khách cần được nghỉ ngơi, vui chơi giải trí,… Tất cả phải nằm trong một quy hoạch tổng thể, nếu không làng nghề rất khó để hấp dẫn khách du lịch."
Chung quan điểm này, bà Dương Thị Thanh chia sẻ thêm: Để khai thác và phát triển bền vững cần sự hỗ trợ đồng bộ của các cấp chính quyền, sự thống nhất trong các chủ trương, chính sách của Nhà nước với các giải pháp đồng bộ nhằm khuyến khích hỗ trợ du lịch làng nghề phát triển. Đồng thời, cần tuyên truyền đến mỗi người dân để nhận thức đúng và đủ về du lịch cộng đồng - là giải pháp tạo công ăn việc làm, đảm bảo sinh kế, nâng cao thu nhập và bảo tồn giá trị văn hóa làng nghề địa phương.
Mặc dù có tiềm năng lớn nhưng để phát triển du lịch làng nghề là bài toán không hề dễ dàng. Thực tế này đòi hỏi cần có những giải pháp phối hợp đồng bộ hơn giữa các ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và cả những người thợ làng nghề để phát triển sản phẩm du lịch gắn với làng nghề đạt hiệu quả cao, vừa bảo tồn nghề truyền thống, vừa định vị thêm các điểm đến hấp dẫn cho du lịch Ninh Bình.