Khai thác tiềm năng du lịch vùng để phát triển bền vững

Cập nhật: 21/02/2023
Vùng đồng bằng sông Hồng được ưu ái nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp và giá trị văn hóa lịch sử. Những năm gần đây, Ninh Bình cùng các tỉnh, thành phố trong vùng đã tập trung đầu tư, khai thác thế mạnh du lịch, tạo ra các tour du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, để du lịch vùng phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng cần có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các địa phương.

Khu du lịch Tràng An - điểm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Ảnh: Minh Đường

Vùng đất giàu tiềm năng 

Vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) gồm 11 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh). Đây là một trong sáu vùng kinh tế-xã hội trọng điểm của cả nước, cửa ngõ ở phía biển Đông với thế giới và là một trong những cầu nối trực tiếp giữa hai khu vực phát triển năng động là khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á. 

Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết: "Khu vực ĐBSH có nhiều đặc điểm chung về tài nguyên du lịch và điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch phong phú, đa dạng như: du lịch biển đảo, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm, mua sắm, nghỉ dưỡng… Khí hậu ôn hòa nên hoạt động du lịch có thể diễn ra quanh năm. Trong vùng có các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng… với nhiều trung tâm thương mại lớn, các khu vui chơi, mua sắm là những điểm đến hấp dẫn khách du lịch". 

Vùng ĐBSH có cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều vườn quốc gia lớn như: Ba Vì, Tam Đảo, Cát Bà, Cúc Phương… Với vị thế là cái nôi của người Việt nên đây còn là vùng đất cổ gắn liền với các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng. Theo thống kê sơ bộ, vùng hiện có 23.317 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 49 di tích quốc gia đặc biệt và 3 di sản văn hóa thế giới với hàng trăm lễ hội và các loại hình di sản và văn hóa phi vật thể. 

Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, những năm qua các địa phương trong vùng đã liên kết để tận dụng, khai thác hiệu quả tiềm năng này. Năm 2019, toàn vùng đã đón và phục vụ trên 78 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt trên 147.000 tỷ đồng. Sau thời gian gián đoạn do đại dịch COVID-19, năm 2022, các tỉnh ĐBSH vẫn chứng minh được sức hút mạnh mẽ với khách du lịch, đã đón và phục vụ hơn 54 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch là hơn 94 nghìn tỷ đồng, chiếm 21% doanh thu du lịch trên toàn quốc. 

Có được những kết quả trên là nhờ hoạt động liên kết phát triển vùng trong phát triển du lịch của các tỉnh vùng ĐBSH thời gian qua. Việc liên kết vùng đã tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù và độc đáo, thu hút khách du lịch. Đồng thời, tạo ra lợi thế về quy mô, tiết kiệm các chi phí trong quảng bá, tổ chức các tour du lịch cũng như đầu tư kết cấu hạ tầng, chi phí đào tạo; hạn chế cạnh tranh giữa các địa phương. 

Đại diện Sở Du lịch Ninh Bình cho biết: Nhận thức sâu sắc về vị trí địa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của khu vực ĐBSH, tỉnh Ninh Bình đã và đang cùng các tỉnh, thành phố trong vùng không ngừng tìm tòi, đổi mới, phát huy tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. 

Ninh Bình đã tổ chức ký kết nhiều văn bản liên kết, hợp tác trong công tác quản lý Nhà nước, phối hợp tuyên truyền quảng bá, trao đổi nghiệp vụ du lịch, nhất là đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn về lữ hành, khách sạn, chuyển đổi số; tổ chức các hoạt động hỗ trợ khách du lịch. Nghiên cứu tổ chức nhiều buổi tọa đàm trong lĩnh vực di tích lịch sử-văn hóa và danh thắng; phối hợp chặt chẽ trong xây dựng và khai thác sản phẩm du lịch, các loại hình du lịch gắn kết các tỉnh, thành phố vùng ĐBSH. 

"Muốn đi xa thì đi cùng nhau" 

Mặc dù có những lợi thế so với các khu vực khác trong cả nước, nhưng liên kết phát triển du lịch vùng ĐBSH chưa đem lại kết quả tương xứng với tiềm năng, lợi thế. 

Theo Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, những loại hình du lịch tiềm năng, thế mạnh nổi trội của vùng vẫn chưa thực sự hấp dẫn, chưa đa dạng, dịch vụ du lịch còn thiếu, việc quản lý tại một số khu, điểm du lịch chưa đảm bảo; quy hoạch của một số khu vực còn bị phá vỡ, phát triển manh mún và khó điều chỉnh; các di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới có giá trị nổi bật toàn cầu trong vùng chưa được nâng tầm đẳng cấp để thu hút các thị trường khách quốc tế, nhất là khách có nhu cầu chi tiêu cao. 

Với tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng, đặc biệt là hệ thống di sản và tài nguyên văn hóa đặc sắc, là cái nôi văn hóa Bắc Bộ và văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước, vùng ĐBSH được đánh giá có nhiều lợi thế tiềm năng trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, làm thế nào để khai thác tốt hơn thế mạnh sẵn có? Làm thế nào để tạo ra sự liên kết vùng trong mối tương quan cùng phát triển? Đó là những yêu cầu cấp bách đang được Ninh Bình và các tỉnh vùng ĐBSH quan tâm. 

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Phạm Hồng Long, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Để khai thác tốt hơn tiềm năng, Ninh Bình nói riêng và các tỉnh ĐBSH cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù từ những giá trị đặc thù, đặc biệt chú trọng nâng cao hoạt động trải nghiệm cho du khách. 

Trong đó có thể chú trọng đầu tư các sản phẩm như du lịch làng quê gắn với hoạt động nông nghiệp; du lịch gắn với tìm hiểu làng nghề truyền thống; du lịch gắn với tìm hiểu lịch sử và di tích, di chỉ khảo cổ học; du lịch kết hợp tham quan di sản văn hóa và thưởng thức nghệ thuật; du lịch tâm linh gắn với kiến trúc, nghệ thuật Việt Nam cổ… Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động liên kết phát triển du lịch vùng và tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch. 

Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Ngoài đầu tư phát triển hạ tầng du lịch như: nhà hàng, khách sạn, khu điểm du lịch, cần tiếp tục khai thác thêm các sản phẩm du lịch tiềm năng như: du lịch đêm, du lịch thể thao, du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp… thu hút các nhà đầu tư tiềm năng đầu tư phát triển du lịch tại các địa phương. 

"Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau" - câu nói ấy chính là phương châm và thông điệp mà Ninh Bình và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSH đang cùng nhau hướng tới, phấn đấu thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển du lịch. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành Du lịch vừa chịu những tổn thất nặng nề sau đại dịch COVID-19 và đứng trước sự cạnh tranh của du lịch các vùng miền, quốc gia lân cận. Vì vậy, đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác sẽ giúp du lịch Ninh Bình nói riêng và du lịch vùng ĐBSH khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, cùng hỗ trợ, quảng bá và phát triển bền vững.

Nguồn: baoninhbinh.org.vn