Đi lễ đầu năm – Nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt

Cập nhật: 30/01/2023
Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, người Việt thường lên đình, chùa cầu mong cho gia đình sức khỏe bình an, may mắn và hạnh phúc. Chính bởi vậy, tục đi lễ đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của người Việt

Từ lâu, đi lễ đầu năm đã trở thành yếu tố tâm linh gắn với văn hóa, tín ngưỡng của người Việt, được truyền từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đi lễ vào thời khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới gọi là “Tống cựu nghinh tân” (tiễn năm cũ, đón năm mới). Sau khi thăm hỏi, chúc Tết những người thân trong gia đình rồi hàng xóm láng giềng thì các gia đình hay tổ chức đi du xuân đến cửa chùa, cửa đền để cho tâm hồn được thanh thản với những giây phút tĩnh lặng trước những tất bật ngược xuôi của dòng đời.

Người Việt tin rằng, đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh.  Mỗi người đi lễ với những mục đích khác nhau, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình. Cũng có những người đi lễ chỉ để tìm lấy những giây phút bình yên, nhằm xua tan đi những lo toan bộn bề trong cuộc sống.  Nhưng nhìn chung, khi đến cửa Phật, cửa Thánh, hòa vào dòng người hành lễ, mỗi người trong chúng ta sẽ cảm nhận được sự giao hòa của trời - đất. Mùi khói nhang, sắc màu rực rỡ của đèn, hoa cùng với không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản.

Đặc biệt trong thời đại ngày nay với sự phát triển như vũ bão của Khoa học công nghệ. Khi con người dành nhiều thời gian hơn cho công việc và phải chịu nhiều áp lực từ công việc, thì một tục lệ tưởng chừng như đơn giản – đi lễ đầu năm không chỉ là việc cầu mong những điều may mắn hay thỏa mãn những điều tâm linh của mình mà đi lễ đầu năm còn như là một đối trọng với những áp lực công việc, tạo cho mỗi con người những khoảng trống cần thiết trong tâm hồn tạo sự cân bằng trong cuộc sống của họ. Bởi vậy phong tục tốt đẹp này còn trường tồn mãi mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam, như một nhu cầu thiết yếu trong đời sống tâm linh./.

Nguồn: Nhật Quỳnh; Ảnh: Xuân Lâm