Ninh Bình níu chân du khách không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ mà còn bởi những ngôi Chùa linh thiêng, thanh tịnh, những phong tục, tập quán của người dân bản địa và các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc. Đầu xuân du khách về Ninh Bình du xuân trẩy hội và tham gia các lễ hội truyền thống đặc sắc của mảnh đất Cố đô ngàn năm lịch sử.
Đầu xuân là khoảng thời gian đất trời và con người được cùng giao hòa, vạn vật cùng con người như bừng tỉnh và có thêm sức sống mới để bắt đầu mọi thứ. Đây cũng là thời điểm đẹp nhất và thích hợp nhất trong năm để tổ chức các lễ hội. Đến với Ninh Bình du khách không chỉ ngỡ ngàng bởi nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà bởi những giá trị văn hóa lịch sử truyển thống của dân tộc, đó là các lễ hội.
Ninh Bình có hơn 260 lễ hội, có nhiều lễ hội đặc sắc thu hút không chỉ du khách trong nước mà còn hấp dẫn với cả những du khách quốc tế.
Lễ hội chùa Bái Đính
Mùa xuân mới tràn về cũng là lúc trên đất Cố đô Hoa Lư, hàng triệu phật tử cả nước cùng du khách khắp thập phương lại nô nức trẩy hội chùa Bái Đính. Lễ hội chùa Bái Đính khai hội từ ngày mồng 6 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch.
Phần lễ ở chùa Bái Đính diễn ra trang trọng vì ở đây không chỉ thờ các vị Sơn thần, Phật tổ, Bà chúa Thượng ngàn mà còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc với các danh nhân đức Thánh Nguyễn, Quang Trung, Đinh Bộ Lĩnh. Vì vậy, phần lễ gồm tổng hòa hệ thống tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam; có sự sùng bái tự nhiên, có Đạo, có Phật và có cả Nho.
Ngày hội, làng tổ chức rước thần từ động ra. Cờ trống đi trước, dàn nhạc bát âm kéo theo, trai thanh gái lịch phù kiệu, cụ ông cụ bà thành tâm tiễn thần, trang nghiêm mà hoan hỉ.
Lễ hội Hoa Lư
Lễ hội Hoa lư (xưa thường gọi là hội Trường Yên, hay hội Cờ Lau, hội Cố đô Hoa Lư) diễn ra từ ngày mùng 9 đến 11 tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ và tri ân công đức của vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành đồng thời nêu cao đạo lý uống nước nhớ nguồn, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận giá hòa, mùa màng bội thu.
Phần lễ gồm nhiều nghi thức như lễ mở cửa đền, lễ rước nước, lễ mộc dục, lễ dâng hương, tế lễ cổ truyền,…trong đó đặc biệt nhất là lễ rước nước ở bến sông Hoàng Long. Đây là một lễ thức linh thiêng với ý nghĩa gợi nhớ về một truyền thuyết dân gian ly kỳ hấp dẫn kể về sự tích rồng vàng hiện lên đưa Đinh Bộ Lĩnh sang sông thoát khỏi lưỡi gươm giận dữ của người chú ruột.
Phần hội diễn ra các hoạt động sôi động như biểu diễn múa trống, cồng chiêng, hội trại thanh niên, thi thư pháp, thi kéo chữ “Thái Bình”, thi làm mâm ngũ quả tiến Vua, thi chèo thuyền, vật dân tộc, triển lãm ảnh nghệ thuật “Non nước Ninh Bình”, xây dựng gian hàng quảng bá du lịch Ninh Bình, trưng bày và giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản của địa phương.
Lễ hội Tràng An
Lễ hội Tràng An hay còn gọi là Lễ hội Thánh Quý Minh Đại Vương, lễ hội đền Trần, là lễ hội truyền thống được diễn ra hàng năm từ ngày 18 đến ngày 19 tháng 3 âm lịch tại khu du lịch sinh thái Tràng An.
Lễ hội Tràng An là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân, nhằm tri ân, và tưởng nhớ đức Thánh Quý Minh Đại Vương, các đời vua Trần và các bậc tiền nhân có công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, phù trợ quốc thái, dân an, giúp mưa thuận, gió hòa.
Phần Lễ có các hoạt động rước rồng trên sông, di chuyển qua các hang động đến đền Suối Tiên, Lễ dâng hương Thánh Quý Minh Đại Vương.
Phần Hội có phần không gian được trải dài từ bến thuyền Tràng An đến đền Suối Tiên, có nhiều hoạt động nghệ thuật giới thiệu về giá trị Văn hóa và Thiên nhiên trên vùng đất Di sản.
Lễ hội Đền Thái Vi
Lễ hội đền Thái Vi diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 3 âm lịch hàng năm tại thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Đây là dịp để nhân dân địa phương và cả nước tưởng nhớ công lao các vua Trần – những người có công lớn với dân với nước.
Phần lễ gồm có rước kiệu và tế lễ. Tế lễ là một nghi thức vô cùng quan trọng và mang tính trang trọng cao. Mỗi đoàn rước kiệu đều thành lập một ban tế. Thành phần dự tế gồm các cụ cao tuổi, các chức sắc trong làng. Ban tế chính gồm 5 người. Một ông chánh tế, hai ông phân hiến và hai ông bồi tế. Giáp ban có ông thông xướng, ông hạ xướng, ông đánh trống, ông rước đài. Sau cùng là 9 ông đọc 9 khúc của một bài ca nghi lễ ca ngợi công đức vua Trần. Đặc biệt là, ông đọc văn tế ca ngợi công đức vua Trần Thái Tông được trình bày qua nghệ thuật diễn xướng. Sau mỗi khúc tế, lại có hai người phường trò, người nam chơi đàn, người nữ dẫn giải bằng lỗi hát ca trù.
Kết thúc phần lễ là phần hội. Đây thực sự là phần vui chơi giải trí rất sôi nổi của nhân dân và những người đến dự hội. Hội của đền Thái Vi thường tổ chức các trò chơi dân gian rất hấp dẫn, có thể kể đến như: Trò nấu cơm thi, trò đua thuyền rồng, hội diễn chèo, tổ tôm điếm, cờ bỏi, thi đu quay, đu giật, kéo co, thi múa rồng, múa lân…
Lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê
Lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê là một lễ hội được tổ chức vào dịp trung tuần tháng giêng âm lịch tại đình làng Nộn Khê, xã Yên Từ, huyện Yên Mô.
Trong không khí ăn tết ngày rằm tháng giêng thì lễ hội được tổ chức đúng vào ngày 14 tháng giêng âm lịch. Lễ hội thể hiện được nét đẹp của những hội làng truyền thống miền Bắc Bộ với việc tổ chức tế lễ, dâng hương suy tôn công đức của những bậc tiền bối lập ra làng xã. Ngoài ra còn có dâng hương tế lễ, kính báo lên Thành Hoàng, tổ tiên gia tiên về sự thành đạt, hiếu học của con em các họ trong làng và bố cáo thành tích của làng đã làm được trong năm qua.
Lễ hội chùa Nhất Trụ
Chùa Nhất Trụ là một ngôi chùa nổi tiếng ở Ninh Bình, năm 2015 cột kinh Phật của chùa Nhất Trụ được Chính Phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Lễ hội chùa Nhất Trụ được tổ chức hàng năm vào đúng ngày rằm tháng giêng. Phần lễ diễn ra với hoạt động cúng Phật cầu nguyện cho quốc thái dân an, phần hội với nhiều hoạt động đặc sắc như lễ khao tống thuyền rồng, …
Lễ hội Chùa Duyên Ninh
Chùa Duyên Ninh (Duyên Ninh Tự) tọa lạc trong thành Tây Hoa Lư ở thôn Chi Phong xã Trường Yên. Trên đường từ Tràng An đến chùa Bài Đính. Thuở xa xưa, Duyên Ninh Tự là nơi vui chơi của các công chúa thời Đinh Lê. Chùa được xây dựng dưới thời Vua Đinh Tiên Hoàng. Dân gian thường gọi chùa này là chùa Thủ. Nơi đây Lý Thái Tổ và công chúa Lê Thị Phất Ngân con vua Lê Đại Hành đã thề hẹn yêu đương ở đó mà sinh ra Lý Thái Tông.
Cuối đời, Hoàng hậu Phất Ngân đã về đây tu hành và trông coi mộ phần thân phụ là Hoàng đế Lê Đại Hành. Tại đây, Hoàng hậu đã tác hợp cho nhiều đôi lứa thành đôi và từ đó Duyên Ninh trở thành một điểm tín ngưỡng thu hút rất đông người dân tới cầu phúc, cầu may. Đặc biệt không thể không kể tới việc cầu duyên và cầu tự hiếm muộn con cái.
Mùa xuân khi đất trời giao hòa, thiên nhiên tươi tốt, lòng người hân hoan cũng là thời điểm cuốn hút nhất người ta đi lễ chùa, thể hiện lòng thành tâm, cầu an cho cả năm đồng thời có dịp hòa mình vào những lễ hội đậm sắc văn hóa dân tộc.
Người Việt tin rằng đi lễ chùa đầu năm không đơn giản để ước nguyện mà đó còn là thời gian để mọi người tìm về chốn tâm linh sau những năm tháng vất vả trong cuộc mưu sinh, để nghe những câu chuyện cổ về những ngôi chùa, ngôi đền huyền thoại, để chiêm ngưỡng những giá trị văn hoá vô giá, để thấy tâm hồn và cõi lòng bình an, hay chỉ để được dâng một nén hương chân thành lên đức Phật, đến những vị anh hùng bất tử trong lòng nhiều thế hệ người Việt Nam và Ninh Bình là một điểm đến không thể thiếu mỗi dịp Tết đến Xuân về.