Đền Dâu - Địa điểm Văn hóa tín ngưỡng Thờ Mẫu tại Ninh Bình

Cập nhật: 02/11/2022
Đền Dâu thuộc địa phận phường Nam Sơn, thành phố Tam Điệp tỉnh Ninh Bình, đền có tên chữ là Tang Dã Linh Từ (nghĩa là: Đền Thiêng nương Dâu) thờ Liễu Hạnh Công chúa – một trong tứ bất tử của điện thần Việt Nam đã hoá thân vào người con gái địa phương giúp dân và quân lính Tây Sơn trồng dâu nuôi tằm.

Đền Dâu toạ lạc trên một thế phong thuỷ đẹp, đền nằm trên một khu đất cao quay hướng đông nam, phía trước đền có núi Hồng Ngọc làm án, phía sau có núi Chong Đèn làm hậu chẩm, bên trái có núi Ngang(Hoành Sơn) làm Thanh Long, bên phải đền có núi Béo làm Bạch Hổ.

Lễ hội đền Dâu hàng năm mở vào 15 tháng riêng, tương truyền đó là ngày hội đặt hom dâu và cũng là ngày mừng vua Quang Trung chiến thắng khải hoàn, kéo dài cho đến hết ngày 3-3 Âm lịch (Ngày kỵ của mẫu Liễu), ở địa phương còn lưu truyền câu ca dao:

“Dù ai đi đâu về đâu

Nguyên tiêu lễ hội đền Dâu thì về

Dù ai bận rộn trăm bề

Nguyên Tiêu lễ hội thì về đền Dâu”

Trước đây lễ hội có tục rước tượng và kéo chữ “Mẫu Nghi thiên hạ”, “Thiên hạ thái bình” và “Lý Nhân vi mỹ” nhưng hiện nay tục rước tượng và kéo chữ chưa khôi phục được, chỉ còn lễ và tế nữ quan còn duy trì. Cũng như nhiều phủ, điện Mẫu khác, nơi đây có những nghi thức thờ cúng cơ bản như: hầu bóng, tôn lô nhang và trình đồng để cầu mong đức Thánh Mẫu và các vị thần thánh ban phúc, lộc, thọ và an khang cho trăm họ.

Di tích đền Dâu là một trong những di tích có liên quan chặt chẽ tới Mẫu Liễu Hạnh như ở đền Sòng, Phố Cát (Thanh Hoá), Phủ đồi Ngang, đền Quán Cháo(Ninh Bình) liên quan tới con đường Thiên Lý cổ ra bắc vào Nam, gắn với không gian ảnh hưởng của Mẫu Liễu từ Phủ Tây Hồ (Hà Nội) qua Vân Cát (Nam Định), qua đèo Tam Điệp (Ninh Bình – Thanh Hoá) tới tận đèo Ngang (Hà Tĩnh – Quảng Bình).

Di tích nằm trong không gian của phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn gắn với các địa danh như luỹ Ông Ninh, thung Đong Quân, đèo Tam Điệp, luỹ Quèn Thờ đây là một phòng tuyến có ý nghĩa lịch sử quan trọng của dân tộc trong chiến thắng 20 vạn quân Thanh năm 1789.

Nguồn: Hồng Hạnh; Ảnh: Xuân Lâm