Du lịch sẽ là ngành kinh tế trụ cột mang tính điều hướng

Cập nhật: 09/02/2022
Trong mỗi giai đoạn phát triển, tỉnh Ninh Bình có những điều chỉnh chính sách, chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn lực sẵn có, trong đó du lịch luôn được xác định là trụ cột quan trọng nhất mang tính điều hướng, dẫn dắt các ngành, lĩnh vực phát triển theo hướng "xanh", bền vững. Trên cơ sở đó, tỉnh đã hoạch định những hướng đi đột phá nhằm phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước, hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để hiểu rõ hơn vai trò điều hướng của ngành Du lịch trong giai đoạn hiện nay, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Bùi Văn Mạnh, TUV, Giám đốc Sở Du lịch.

Khu du lịch sinh thái Tràng An. Ảnh: Xuân Lâm

P.V: Thưa đồng chí, với những nguồn lực, lợi thế về tự nhiên và văn hóa, tỉnh Ninh Bình đã sớm nắm bắt, lựa chọn du lịch làm hướng đi chủ đạo để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điều này được thể hiện như thế nào trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh?

 Đ/c Bùi Văn Mạnh: Ninh Bình không chỉ được tạo hóa ưu ái, ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, độc đáo, hấp dẫn mà còn có nhiều di tích lịch sử - văn hóa quan trọng gắn liền với nhà nước Đại Cồ Việt, Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên ở Việt Nam. Những nguồn lực, lợi thế về tự nhiên và văn hóa đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình sớm đánh giá đúng mức, xác định phát triển du lịch dựa trên nền tảng lịch sử - văn hóa và thiên nhiên làm hướng phát triển chính, mang tính "hạt nhân" để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh. 

Từ năm 2001 đến nay, ngành du lịch đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành 04 nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch: Nghị quyết số 03 năm 2001 về phát triển du lịch đến 2010; Nghị quyết số 15 năm 2009 về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 02 năm 2016 về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thế giới danh thắng Tràng An. 

Gần đây nhất ngày 29/10/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành nghị quyết số 07- NQ/TU về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2045. Nghị quyết 07 ra đời là đòi hỏi của thực tiễn, thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của tỉnh nhằm phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thông qua nhìn nhận khả  năng đóng góp của du lịch vào kinh tế - xã hội. 

Đặc biệt, Nghị quyết số 07 đã có bước chuyển hướng chiến lược phát triển, từ "chiều rộng" sang "chiều sâu". Theo đó, du lịch tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch có "hàm lượng văn hóa cao", nâng cao chất lượng dịch vụ, coi chất lượng của các sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch là lợi thế cạnh tranh, chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu điểm đến du lịch của tỉnh bằng sản phẩm du lịch độc đáo, dịch vụ du lịch có chất lượng, môi trường du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn. 

Đồng thời, Nghị quyết 07 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020- 2025) và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó xác định phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước, hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Ninh Bình thu hút được 8,0 triệu lượt khách du lịch; tổng thu du lịch đạt trên 8.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 6,5% GRDP; tạo việc làm cho 23.000 lao động trở lên. Đến năm 2030 thu hút 12 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2,0 triệu khách quốc tế; tổng thu du lịch đạt 18.660 tỷ đồng, đóng góp khoảng 8% GRDP; tạo việc làm cho 43.700 lao động. 

P.V: Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã có những định hướng chiến lược nào mang tính đột phá để xây dựng, phát triển thương hiệu điểm đến du lịch tỉnh Ninh Bình? 

Đ/c: Bùi Văn Mạnh: Những  năm qua Ninh Bình trở thành một trong các tỉnh phát triển về du lịch, được các chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đón được nhiều khách du lịch nhất cả nước. Theo đánh giá, Ninh Bình còn rất nhiều tiềm năng tự nhiên, giá trị văn hóa - lịch sử và dư địa để phát triển trở thành điểm đến du lịch hàng đầu quốc gia và khu vực. 

Để định vị và phát triển thương hiệu điểm đến, tỉnh đã xác định đặc trưng của du lịch tỉnh Ninh Bình là gắn với hình ảnh, giá trị "Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, di tích quốc gia đặc biệt lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư hướng tới chất lượng, chuyên nghiệp, hiệu quả và bền vững". Đây là trụ cột, là động lực để phát huy các giá trị, tài nguyên khác của tỉnh. 

Năm 2021, ngành Du lịch đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước thực hiện đề tài nghiên cứu xây dựng và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch tỉnh Ninh Bình; tham mưu xây dựng kế hoạch tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch giai đoạn 2021-2025, dự kiến báo cáo UBND tỉnh ban hành vào quý I năm 2022. 

Theo đó, các giải pháp trọng tâm mang tính đột phá được tỉnh Ninh Bình xác định: Thứ nhất, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trong xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch. Phát triển thương hiệu điểm đến du lịch thì nguồn kinh phí là một trong những yếu tố quan trọng nhất. 

Do vậy, ngoài các nguồn vốn của nhà nước hỗ trợ thì cần huy động các nguồn lực xã hội hóa là cần thiết trong điều kiện  tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nguồn thu còn hạn chế. Thứ hai, tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng đặc sắc, chất lượng dựa trên thế mạnh và tiềm năng du lịch tỉnh Ninh Bình. Chú trọng đến tính độc đáo riêng của du lịch Ninh Bình, chất lượng sản phẩm du lịch phải phù hợp với từng thị trường khách trong nước và quốc tế. Thứ ba, chú trọng quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình bằng nhiều hình thức, đa dạng trên các kênh thông tin; tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch, khai thác và ứng dụng hiệu quả các nền tảng số, mạng xã hội để quảng bá, tiếp cận thị trường khách mục tiêu và tiềm năng; tổ chức tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn ở các thị trường du lịch tiềm năng để thu hút khách quốc tế. Thứ tư, huy động các cấp, các ngành, đoàn thể tham gia truyền thông xây dựng các khu, điểm du lịch an toàn, thân thiện, môi trường du lịch văn minh; kết hợp giữa xây dựng hình ảnh, thương hiệu với hoạt động quảng bá thương hiệu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngành du lịch, tạo bước đột phá phát triển toàn diện cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ. 

Trong thời gian tới ngành Du lịch sẽ triển khai xây dựng và phát triển Hệ thống thông tin số du lịch tỉnh Ninh Bình. Thực hiện các chiến dịch quảng bá theo chủ đề và theo giai đoạn thông qua các trang mạng xã hội; thường xuyên tổ chức các cuộc thi ảnh đẹp, check in trên các trang tin điện tử du lịch của tỉnh Ninh Bình. Xây dựng và lắp  đặt các quầy để hỗ trợ khách tra cứu thông tin du lịch, bổ sung dịch vụ du lịch "thực tế ảo" với ứng dụng công nghệ 3D/4D để nâng cao trải nghiệm của khách du lịch trong hoạt động truyền thông quảng bá du lịch cũng như tại các khu điểm du lịch của tỉnh. 

P.V: Trong bối cảnh bình thường mới, sau những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, để thích ứng linh hoạt ngành Du lịch sẽ làm gì để từng bước động viên, khích lệ các doanh nghiệp, cộng đồng người dân làm du lịch yên tâm gắn bó với ngành? 

Đ/c Bùi Văn Mạnh: Sau đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp và người dân làm du lịch sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhằm kịp thời hỗ trợ, động viện các doanh nghiệp du lịch từng bước phục hồi và phát triển, ngành Du lịch sẽ tập trung đẩy nhanh việc tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính, việc làm và đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, cộng đồng tham gia làm du lịch theo các quy định của Trung ương, của tỉnh. Tiếp tục tham mưu xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển du lịch. 

Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2045. Tham mưu xây dựng và ban hành Nghị quyết về chính sách phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng và người dân tham gia kinh doanh du lịch, đổi mới mô hình kinh doanh, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới đảm bảo an toàn, linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh, phù hợp với nhu cầu và xu hướng thị trường trong và sau đại dịch. Khuyến khích doanh nghiệp nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác xây dựng chuỗi sản phẩm, dịch vụ có tính bổ trợ cho nhau, bổ sung giá trị gia tăng cho các sản phẩm du lịch. 

Thực hiện đồng bộ các giải pháp xúc tiến, quảng bá du lịch mạnh mẽ tại các thị trường trọng điểm trong nước, triển khai chiến dịch truyền thông kích cầu du lịch nội địa về các điểm đến du lịch và quy trình du lịch an toàn. Nghiên cứu kinh nghiệm trong nước và quốc tế về áp dụng mô hình bong bóng du lịch, thí điểm đón khách quốc tế; đề xuất thiết lập cơ chế hợp tác với các tỉnh kiểm soát tốt dịch bệnh để tạo hành lang du lịch an toàn, góp phần dần hồi phục và phát triển thị trường khách du lịch. Tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn và trung hạn, đào tạo lại cho lực lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và người dân làm du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. 

P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí! 

Nguồn: baoninhbinh.org.vn; Ảnh: Xuân Lâm