Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu: Thay đổi cách thức truyền thông du lịch thích ứng trạng thái mới

Cập nhật: 21/10/2021
“Đại dịch COVID-19 khiến thói quen du lịch của du khách trên toàn thế giới thay đổi. Xu hướng, nhu cầu của du khách có sự chuyển hướng rất lớn. Đó là du lịch về với thiên nhiên, sức khỏe con người, các loại hình du lịch thể thao, chữa bệnh… Chính vì vậy, truyền thông du lịch cần thay đổi để thích ứng với xu hướng mới. Thông điệp hướng tới nâng cao ý thức gìn giữ, bảo vệ thiên nhiên, môi trường, vì sức khỏe cộng đồng sau đại dịch… là hướng đi ngành Du lịch đang xây dựng...”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu trao đổi với Tạp chí Du lịch.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu trao đổi với Tạp chí Du lịch

Thưa ông, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp lữ hành, hiện nhu cầu du lịch của du khách bắt đầu tăng “nhiệt”, tuy nhiên hoạt động du lịch vẫn “vướng” do quy định thiếu nhất quán ở một số địa phương. TCDL nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Trước hết phải khẳng định an toàn là tiêu chí hàng đầu khi mở lại hoạt động du lịch theo đúng tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Nhiều địa phương đã xây dựng các phương án để phục hồi du lịch trong trạng thái mới, như TP. Hồ Chí Minh (huyện Cần Giờ), Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ninh… đã mở lại một số khu, điểm du lịch, đón khách nội tỉnh cũng như khách du lịch nội địa đến từ các tỉnh, thành phố đã kiểm soát dịch COVID-19.

Tuy nhiên, việc tái khởi động lại du lịch nội địa còn gặp khó khăn do chưa thể “phủ” vaccine phòng COVID-19 cho người dân nên nhiều địa phương vẫn thận trọng. Để khôi phục lại các hoạt động du lịch nội địa hiệu quả, cần hoàn thành việc tiêm vaccine đủ 2 mũi cho ít nhất 70% người dân từ 18 tuổi và người lao động trong ngành Du lịch tại các điểm đến; bảo đảm các điều kiện về hạ tầng y tế, nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch; đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để xử lý sự cố phát sinh; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong việc đón khách du lịch và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Kế hoạch đón khách quốc tế thí điểm đến Phú Quốc đã chuẩn bị đến đâu? Thưa ông?

Kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc đã có sự chuẩn bị từ lâu, kỹ càng cả về điều kiện, năng lực, cũng như tâm thế, tư tưởng, rồi công tác truyền thông… và nhiều vấn đề khác như các doanh nghiệp lữ hành đủ điều kiện, năng lực y tế tại điểm đến sẵn sàng cho việc đón khách. Tất cả sự chuẩn bị đó cần thời gian để sẵn sàng cho một kế hoạch tổng thể gồm rất nhiều công việc, liên quan đến nhiều ngành chức năng, địa phương, ngành Y tế chuẩn bị năng lực y tế, công tác tiêm phòng đầy đủ, ngành Giao thông kết nối vận chuyển nhưng phải đảm bảo an toàn, rồi xuất nhập cảnh, rồi địa phương công tác chuẩn bị đón khách ra sao về cơ sở hạ tầng, năng lực, các điểm tham quan, vui chơi, ăn nghỉ của du khách…, hiện tất cả đang chung tay hoàn tất sự chuẩn bị đó.

Một vấn đề được dư luận rất quan tâm thời gian qua là tại khu vực thí điểm đón khách quốc tế (cụ thể là Phú Quốc), hoạt động du lịch nội địa sẽ được triển khai như thế nào?

Thực ra lộtrình mở lại hoạt động du lịch thì đầu tiên phải là du lịch nội địa sau đó mới đến du lịch quốc tế, mà du lịch nội địa thì bắt đầu từ du lịch nội tỉnh, nội vùng. Nội tỉnh là người dân trong tỉnh đi lại, tham quan, sử dụng các dịch vụ … để kích hoạt, khôi phục lại hoạt động kinh tế xã hội; nội vùng là một số tỉnh cùng thống nhất quy định đi lại trong khu vực giống như trong nội tỉnh sau đó mở rộng ra toàn quốc.

Đối với hoạt động du lịch nội địa tại Phú Quốc, sẽ tiến hành một cách bình thường (khi đường bay thiết lập lại), song song với đón khách quốc tế. Việc thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc mang tính chất là mô hình “mẫu”, nhằm tạo “bước đà” đón khách quốc tế ở các địa phương khác trong thời gian tới, khi đã hội đủ các điều kiện cần thiết.

Du lịch nội địa với thị trường gần 100 triệu dân đây là một thế mạnh của chúng ta cần phải khai thác, thực tế cho thấy du lịch nội địa là cứucánh cho du lịch khi hoạt động du lịch quốc tế đóng cửa vì đại dịch. Chúng ta cần chú trọng hơn tới thị trường rất tiềm năng này. Chính vì thế, khi dịch được kiểm soát an toàn, được cấp có thẩm quyền cho phép mở lại hoạt động giao thông đi lại các vùng trong điều kiện bình thường mới, thì lập tức hoạt động du lịch sôi động trở lại. Bởi du lịch là một trong những nhu cầu không thể thiếu đối với con người, nhất là sau thời gian giãn cách xã hội, du lịch góp phần làm cho việc phục hồi hoạt động kinh tế xã hội và làm cho trạng thái xã hội “ấm” lên, góp phần xóa không khí ảm đạm của dịch. Ý nghĩa của hoạt động du lịch không chỉ tạo ra giá trị kinh tế, mà tác động của du lịch còn làm tinh thần con người phấn chấn lên, tạo ra động lực tinh thần to lớn góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Sau đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, tâm lý, xu hướng của người dân, du khách có sự thay đổi rất khác so với những đợt dịch trước, đó là sự cảm nhận những trải nghiệm theo chiều sâu; xu hướng du lịch nhóm nhỏ, gia đình, hướng đến những sản phẩm thiên nhiên, xanh, sạch, sức khỏe… Vậy công tác truyền thông cần thay đổi như thế nào để thích ứng với xu hướng mới này, thưa ông?

Các đơn vị tham mưu của Tổng cục Du lịch đang nghiên cứu, đề xuất, truyền thông quảng bá làm sao để cho người dân, du khách an tâm, đi du lịch để tốt cho sức khỏe, cái đó là thông điệp.

Đi du lịch là trở về với trạng thái tốt hơn về sức khỏe, và đi du lịch mang lại lợi ích cho người đi du lịch ở góc độ về thể chất, về tinh thần, về sức khỏe, đó chính là mục tiêu hướng tới của truyền thông và hoạt động truyền thông này từ những người làm du lịch phải thích ứng theo. Đây là sự thay đổi một dòng du lịch mới, xu hướng du lịch mới, du lịch sức khỏe sau đại dịch. Truyền thông là làm sao để kết nối những sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của khách, đáp ứng xu hướng của khách.

Hiện TCDL đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp liên quan triển khai, xây dựng các sản phẩm truyền thông với yêu cầu phải có tính khái quát cao, chuyển tải được thông điệp nhưng không cường điệu quá mức, để người dân, du khách đều cảm nhận được…

Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch triển khai chính sách kích cầu, phục hồi Du lịch cuối 2021, đầu năm 2022. Gần đây nhất, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã phát động “Chương trình khôi phục Du lịch nội địa toàn quốc khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19 đợt thứ 4”, với tâm thế được xác định là “sống chung với COVID-19, xây dựng một ngành kinh tế du lịch an toàn” trong đó nhấn mạnh đến các sản phẩm du lịch hướng về thiên nhiên, sức khỏe con người, các loại hình du lịch thể thao, chữa bệnh, sinh thái, yoga…, hàm ý thông điệp hướng tới nâng cao ý thức gìn giữ, bảo vệ thiên nhiên, môi trường, vì sức khỏe cộng đồng sau đại dịch… cho thấy những bước đi chủ động, chắc chắn của Du lịch, phù hợp với trạng thái mới. Tôi tin rằng Du lịch sẽ nhanh chóng hồi phục, tạo lập niềm tin đối với khách du lịch trong nước và quốc tế…

Xin cảm ơn Phó Tổng cục trưởng!

Nguồn: http://vietnamtourism.gov.vn/