Để khôi phục các hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã thống nhất với Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố trong cả nước xây dựng và triển khai Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc. Mục tiêu là chuyển hoạt động của ngành sang trạng thái bình thường mới với tư tưởng sống chung với COVID-19, xây dựng một ngành kinh tế du lịch an toàn.
Với chủ đề: “Kết nối xanh du lịch Việt Nam” nhằm triển khai một chương trình truyền thông về du lịch an toàn, về chương trình khôi phục du lịch trong bối cảnh bình thường mới với nội dung sống chung với COVID-19 trong từng doanh nghiệp du lịch, tạo sự tin tưởng của khách du lịch về những đơn vị được lựa chọn đáp ứng đủ tiêu chuẩn đón khách trong giai đoạn tình hình dịch vẫn còn phức tạp.
Chương trình đưa ra 3 nội dung cụ thể đó là: một là, xây dựng tiêu chí an toàn ở các vị trí làm việc trong chuỗi dịch vụ du lịch cung cấp cho khách nhằm đảm bảo vừa phòng chống dịch vừa tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch phù hợp; hai là, xây dựng khung quy trình tổ chức hoạt động du lịch phù hợp với bối cảnh chung và đáp ứng cao nhất yếu tố an toàn trong dịch bệnh; ba là, hướng dẫn cho các Hiệp hội Du lịch và doanh nghiệp du lịch địa phương linh hoạt áp dụng vào tình hình thực tế, chi tiết hóa các nội dung phù hợp, dễ thực hiện, giám sát và đánh giá kết quả tại các tỉnh thành phố trên cả nước.
Chương trình đưa ra các tiêu chí an toàn đối với khách du lịch, đối với doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở lưu trú và doanh nghiệp dịch vụ du lịch. Hướng dẫn tổ chức thực hiện đối với các doanh nghiệp và hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố. Trong đó khẳng định tất cả các du khách và lao động trong cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phải đảm bảo đầy đủ các liều tiêm ngừa COVID-19 với loại vắc-xin đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng và qua 14 ngày kể từ khi tiêm mũi cuối cùng; hoặc đã hồi phục sau khi bị nhiễm SARS-CoV-2, cần có xác nhận của Sở Y tế hoặc có xác nhận đủ kháng thể theo qui định trong trường hợp cá nhân tự điều trị tại nhà. Có thời gian tính từ khi khỏi bệnh không quá 12 tháng.
Khách du lịch dưới 18 tuổi có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 48 giờ trước khi tham gia chương trình du lịch ra ngoài tỉnh, thành phố nơi cư trú. Có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ trước khi tham gia chương trình du lịch nội tỉnh, thành phố nơi cư trú.
Đối với doanh nghiệp Lữ hành. Người lao động tiếp xúc trực tiếp với khách phải được xét nghiệm 3 ngày/1 lần hoặc trong vòng 72 giờ tính đến thời điểm bắt đầu công việc có tiếp xúc với khách. Đối với người lao động thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với khách như hướng dẫn viên, lái xe, phụ xe, MC team building của chương trình du lịch v.v...công ty lữ hành cần có những quy định cụ thể như: không tiếp xúc với những người còn lại trong công ty hoặc tiếp xúc tại những nơi quy định; có trang thiết bị cần thiết để ngăn chặn lây lan dịch bệnh tại những nơi quy định giao dịch, trao đổi trực tiếp giữa người lao động thường xuyên tiếp xúc với khách và những người còn lại. Các đơn vị lữ hành tổ chức chương trình theo hình thức khép kín, có sự giám sát, kiểm soát chặt chẽ của công ty lữ hành trong suốt quá trình tư vấn du lịch, cung cấp dịch vụ của công ty cũng như của các đơn vị cung cấp dịch vụ khác trong suốt quá trình thực hiện chương trình du lịch. Có báo cáo đánh giá sau khi kết thúc và theo dõi xử lý tình huống có thể xảy ra đối với người lao động và thành viên đoàn khách sau chuyến đi trong một thời gian nhất định.
Đối với các cơ sở lưu trú và doanh nghiệp dịch vụ du lịch: người lao động tiếp xúc trực tiếp với khách phải được xét nghiệm 3 ngày/1 lần, người lao động chưa tiêm vắc xin ngừa Covid-19 chỉ được làm việc trực tuyến hoặc tại phòng làm việc độc lập. Quy định chung cho tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch: thực hiện đeo khẩu trang đối với người lao động và khách; thực hiện kiểm tra thân nhiệt đối với tất cả nhân viên và khách; cung cấp sản phẩm vệ sinh khử khuẩn, hoặc bố trí chỗ rửa tay với nước sạch và xà phòng tại khu vực làm việc, tham quan, cung cấp dịch vụ. Có hướng dẫn và biện pháp nhắc nhở sử dụng. Thực hiện vệ sinh khử khuẩn nền nhà, tường, bàn ghế, đồ vật… tại các khu vực làm việc, khu cung cấp dịch vụ tối thiểu 1 lần/ngày; đối với các vị trí thường xuyên tiếp xúc như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang/lan can, nút bấm thang máy… tối thiểu 2 lần/ngày. Đảm bảo giữa khoảng cách an toàn trong giao tiếp, làm việc, tham gia chương trình du lịch. Số lượng khách của mỗi đoàn khách đảm bảo đúng quy định của Ban chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương có điểm đến du lịch trong chương trình. Có quy trình xử lý tình huống khi phát hiện người lao động hoặc khách xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 hoặc là F0, tiếp xúc với F0. Có quy trình xử lý chất thải và rác trong trường hợp phát hiện F0 hoặc người tiếp xúc với F0 là người lao động hoặc khách. Ngoài ra còn có quy định riêng với một số đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch chính như: điểm đến du lịch, cơ sở lưu trú, cơ sở phục vụ ăn uống, cơ sở cung cấp dịch vụ hội nghị hội thảo.
Để chương trình thực sự phát huy được hiểu quả, cần có sự chung tay, đồng lòng quyết tâm không chỉ của các cấp, các ngành mà còn ở các doanh nghiệp du lịch. Chương trình cũng hướng dẫn tổ chức thực hiện đối với các doanh nghiệp và hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố.
Với các doanh nghiệp, tuân thủ các qui định của ngành y tế và cơ quan quản lý có thẩm quyền ở địa phương, dựa vào những tiêu chí nói trên, các đơn vị có liên quan tới tổ chức chương trình du lịch xây dựng nội dung chi tiết cho phương án tổ chức hoạt động du lịch của đơn vị trong tình trạng bình thường mới.
Còn với Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố: thống nhất với cơ quan quản lý du lịch ở địa phương các tiêu chí du lịch an toàn đã nêu trong quy chế này. Cụ thể hóa các tiêu chí cho phù hợp với địa phương và doanh nghiệp có thể thực hiện dễ dàng; Công bố các điểm thăm quan, các cơ sở dịch vụ du lịch (lưu trú, cửa hàng, nhà hàng,…) có đủ điều kiện an toàn đón khách du lịch; Phối hợp các đơn vị cung cấp sản phẩm trong chuỗi dịch vụ du lịch để xây dựng, quảng bá các sản phẩm du lịch của địa phương, đảm bảo giá cả hợp lý và chất lượng dịch vụ cao, nâng cao yếu tố văn hóa trong ứng xử du lịch nhằm xây dựng các điểm đến có tính cạnh tranh cao; Xây dựng đường dây nóng. Giữ mối liên lạc thường xuyên với các doanh nghiệp, các cơ sở dịch vụ du lịch, với cơ quan quản lý du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Tổ chức Bộ phận khôi phục hoạt động Du lịch để trực tiếp triển khai Chương trình này tại địa phương; Xây dựng qui trình xử lý một số tình huống cần thiết khi có người lao động tham gia phục vụ khách hoặc khách du lịch phát hiện dương tính với SARS-COVi-2. Do tình hình dịch có thể thay đổi bất cứ thời điểm nào, hàng tháng Hiệp hội Du lịch và các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch tại địa phương cần đánh giá kết quả thực hiện dựa trên các tiêu chí và qui định để có phương án hoạt động phù hợp.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành Du lịch, đây thực sự tín hiệu mới cho sự hồi sinh của ngành du lịch đặc biệt phục hồi phát triển du lịch nội địa. Hy vọng rằng chương trình “khôi phục Du lịch nội địa toàn quốc khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19” sẽ là giải pháp tháo gỡ những khó khăn, xây dựng được hành lang du lịch an toàn.