Đền thờ Trương Hán Siêu nằm ngay bên núi Non Nước, là một trong những địa điểm du lịch Ninh Bình được nhiều người biết đến. Đền thờ Trương Hán Siêu – một vị danh nhân Văn hóa và cũng là một người con của Ninh Bình. Ông là một người “văn võ song toàn”, đã cùng với tiền sĩ Nguyễn Trung Ngạn soạn ra bộ luật “Hình Thư”.
Trương Hán Siêu tự là Thăng Phủ, người làng Phúc An, huyện Yên Ninh (nay thuộc thành phố Ninh Bình). Ông vốn là môn khách của Trần Hưng Đạo, là một danh sĩ thời Trần. Năm 1351 ông được thăng tham tri chính sự. Khi mất ông được vua tặng tước Thái Bảo, Thái phó và được thờ ở Văn Miếu (Hà Nội). Trương Hán Siêu một người có tính tình cương trực, hào phóng có tâm hồn lãng mạn, thích đi du ngoạn và tìm cho mình một phong cảnh tuyệt vời.
Thời nhà Nguyễn, Trương Hán Siêu được thờ ở miếu Lịch Đại Đế vương. Đây là Miếu đường tôn thờ các vị Đế vương và các Danh tướng anh hùng tiêu biểu, như sử sách nhà Nguyễn đã ghi là nơi “Thống kỷ các vị Đế vương, ngưỡng mộ đức tốt của các đời trước”, với ý nghĩa “Uống nước nhớ nguồn” tôn thờ các vị Vua, danh tướng anh hùng tiêu biểu từ thời Hồng Bàng trở về sau.
Đền thờ Trương Hán Siêu nằm ở phía Tây Nam của núi Dục Thúy, một bên dựa vào núi, bên dưới là dòng sông Đáy trữ tình lững lờ trôi, uốn lượn từ phải qua trái, ôm lấy khu Đền tạo nên khung cảnh trữ tình, thanh bình mà uy nghiêm.
Đền thờ Trương Hán Siêu kiến trúc theo kiểu chữ đinh, gồm 3 gian Bái Đường và 2 gian Hậu cung, hai tầng mái lợp bằng ngói, các góc có các đầu đao cong vút lên. Nhìn bán diện rìa mái cuộn lên ở hai đầu như hình ảnh một chiếc thuyền rồng ngoại mục. Trên nóc đền là hai con rồng chầu mặt nguyệt.
Mặt tiền của đền có tấm đại tự bằng chữ Hán Trương Thăng Phủ Từ. Bái đường có cửa võng, hương án và hai giá ở hai bên cắm bát bửu. Gian cuối của hậu cung có hương án và tượng Trương Hán Siêu được đúc bằng đồng.
Du khách có thể đến tham quan chùa vào tất cả các ngày trong năm, ở đây cho phép tham quan miễn phí nên bạn không cần phải mua vé vào. Tuy nhiên, mọi người cần đi đứng và cười nói nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến mọi người cũng như giữ cho đền thờ sự uy nghiêm vốn có.
Đền thờ Trương Hán Siêu sẽ vẫn luôn là những tư liệu sống mãi cho đến muôn đời sau. Nếu ghé thăm mảnh đất cố đô, quý khách đừng quên đến thăm đền thờ Trương Hán Siêu để tìm hiểu thêm về cội nguồn lịch sử Việt Nam. Thế hệ mai sau cần gìn giữ những di tích văn hóa mang ý nghĩa lịch sử bởi đây không chỉ đơn thuần là lưu giữ những kiến trúc cổ mà còn liên quan để cả lịch sử văn hóa của cả một dân tộc.