ĐỀN VỰC VÔNG

Cập nhật: 30/06/2021
Vùng đất Hoa Lư trải qua hơn một nghìn năm lịch sử, những cung điện của triều Đinh - Tiền Lê đến nay không còn nữa. Trên vị trí kinh đô xưa, các triều đại phong kiến sau này đã cho xây dựng nhiều công trình tín ngưỡng để ca ngợi, tri ân những bậc tiền bối đã có công với dân với nước. Một trong số các công trình tín ngưỡng đó là Đền Vực Vông.

Đền Vực Vông là di tích thuộc khu di tích Cố đô Hoa Lư. Đền có 1 vực xoáy nên gọi là Đền Vực Vông. Ngôi đền gắn liền với huyền thoại về tấm gương sáng, trung, trinh, tiết, liệt của phu nhân Mỹ Quận Công, húy danh là Nguyễn Thị Niên.

Đền Vực Vông nằm ở phía Tây kinh thành Hoa Lư, nay thuộc thôn Chi Phong, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đền được xây dựng vào thế kỷXVI, nhưng ngôi đền cũ hiện nay không còn, ngôi đền mới được xây lại theo phong cách kiến trúc triều Nguyễn. Phía trước đền là dòng sông Hoàng Long, sau lưng là núi.

Đền Vực Vông được kiến trúc theo kiểu Chữ Tam gồm 3 tòa:

- Tòa Bái Đường (Tòa Đệ Tam): Ở giữa Bái Đường thờ quan Giám sát. Hai bên thờ Nam Tào, Bắc Đẩu.

- Tòa Trung Đường (Tòa Đệ Nhị): Tòa trung đường là nơi thờ Mỹ Quận Công và 2 người con trai của Mỹ Quận Công. Phía trên tòa đệ nhị có bức đại tự “Tối linh từ” có nghĩa là: Đây là nơi linh thiêng, bên tả tòa đệ nhị có chữ “Trung”, bên hữu có chữ “Liệt”.

- Chính cung (Tòa Đệ Nhất): Thờ bà Chúa Vực Vông. Bà Chúa Vực Vông tên húy là Nguyễn Thị Niên, người làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Bà là con gái Nguyễn Quyền - tướng dưới thời Mạc. Trong quân đội của Nguyễn Quyền khi ấy có hai vị Quận công là: Quận Mỹ (Bùi Khuê) và Quận Kế (Phạm Văn Ngạn). Cả hai đều muốn lấy con gái của Nguyễn Quyền.

Tương truyền, dưới thời nhà Mạc lúc bấy giờ, ở Vực Vông có vực xoáy lớn, hàng năm gây ngập lụt và tai họa cho dân làng. Vì thế, ở đây có tục lệ cúng lễ, sau đó ném người con gái xuống vực xoáy cho thuồng luồng ăn. Bà Nguyễn Thị Niên vì muốn xóa bỏ hủ tục lạc hậu đó nên đã ra điều kiện, ai tìm được nguyên nhân đã gây họa cho dân làng thì bà sẽ đồng ý làm vợ.

Quận Mỹ Bùi Khuê, đã tìm ra được nguyên nhân đó là dòng chảy bị đá ngăn lại làm đổi dòng nước. Ông đã lấy đá lấp dòng chảy đối lưu, dòng sông trở lại như cũ. Người dân được sống yên ổn, không còn tục ném người xuống cho thuồng luồng ăn thịt. Quận Mỹ Bùi Khuê lấy được con gái của Nguyễn Quyền. Quận Kế tức giận đã hãm hại Nguyễn Quyền và Quận Mỹ, chiếm đoạt Nguyễn Thị Niên. Sau khi chồng chết, Bà giả vờ ưng thuận theo Quận Kế, rồi giết Quận Kế để trả thù cho cha và chồng. Sau đó, Bà gieo mình tại ngã ba sông Gián Khẩu, một ngày sau, thi thể của bà lại ngược dòng trôi về Vực Vông.

Để tưởng nhớ người đã có công trị thủy xóa bỏ hủ tục lạc hậu, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, đồng thời ca ngợi đức tính trung trinh, tiết liệt, nhân dân đã xây dựng đền thờ để tưởng nhớ Bà, suy tôn Bà là Mẫu Thoải.

Nguồn: Trần Ngọc; Ảnh: Xuân Lâm