Ảnh: Khải Bình
Với diện tích tự nhiên hơn 3.500 ha, trong đó phần đất ngập nước thường xuyên có diện tích khoảng hơn 400 ha, đầm Vân Long là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Việc tuân thủ nghiêm các quy định về bảo tồn giúp ở thiên nhiên nơi đây là “nhân vật chính”. Vì hạn chế sự tác động của con người nên những chiếc thuyền chèo tay trở thành phương tiện đi lại duy nhất. Không có tiếng ồn ào xe cộ, không khói bụi, không khí trong lành và tĩnh lặng khiến du khách thư giãn, thong thả ngắm cảnh theo từng nhịp chèo thuyền.
Trên hành trình có thể thấy khung cảnh đầm Vân Long thay đổi không ngừng trong 24 giờ. Sáng sớm mây núi giao hòa bồng bềnh như chốn tiên cảnh, cả một vạt lau sậy ướt đẫm sương đêm vẫn đang rủ xuống mặt nước, những mỏm núi đá vôi mầu xám nhô lên khỏi mặt nước vẫn ẩn hiện giữa mây trời. Điều đặc biệt là những đảo đá tưởng như bị cô lập giữa muôn trùng nước non này lại trở thành ngôi nhà chung của nhiều loài động, thực vật, trong đó đáng kể nhất là cò và voọc mông trắng - loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng và nằm trong Sách đỏ thế giới.
Len lỏi qua những khe núi có rừng cỏ lác hay cỏ năng vượt quá đầu người sẽ thấy khung cảnh non nước hữu tình với những núi đá vôi trước mặt. Đi sâu vào trong sẽ tới những hang động kỳ bí, huyền ảo mát lạnh giữa trưa hè. Trong đầm Vân Long có những điểm nhất định phải tới một lần, như những bức tranh đá ở vách núi Mèo Cào, cây thị 600 tuổi, núi Đá Bàn, hang Cá, hang Ông…
Không đơn điệu với hệ sinh thái đất ngập nước và núi đá vôi, quanh đầm Vân Long có đồng ruộng, bãi cỏ, nương rẫy và những xóm thôn yên bình. Chiều về, từng đàn cò, vạc rủ nhau về tổ, đàn gia súc vẫn nhẩn nha gặm cỏ, vài chiếc thuyền câu thu lưới hối hả về nhà. Ai còn lưu luyến khung cảnh thôn quê này có thể trở lại vào một ngày không xa, khi hoa sen nở thơm ngát hay đón “mùa vàng” trên những cánh đồng lúa mênh mông.