Chùa Bái Đính cổ

Cập nhật: 24/11/2020
Chùa Bái Đính cổ thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Chùa được thiền sư Nguyễn Minh Không sáng lập. Ông là vị Thiền sư danh tiếng, người đã chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông. Ngài chính là người đã đặt nền móng, xây dựng tượng Phật và khai mở miền đất Phật ở nơi đây.
Tương truyền rằng, khi ông đi tới vùng đất núi chùa Bái Đính. Ông nhận ra đây là nơi tiên cảnh, rừng núi mênh mông với muôn vàn cây thuốc quý. Ông quyết định dừng lại nơi đây để tu hành và đặt tên cho núi là Bái Đính sau đó biến nơi đây thành “vườn sinh dược” (có nghĩa là vườn thuốc quý) để cứu sinh độ thế cho muôn dân. 
 
Chùa Bái Đính cổ có nhiều chi tiết kiến trúc và cổ vật mang dấu ấn đậm nét của thời Lý. Chùa ở đây không có cột trụ to lớn, đồ sộ hay thượng điện nguy nga lộng lẫy. Mà được tạo dựng theo lối kiến trúc chùa động khá phổ biến như các chùa cổ khác ở Ninh Bình.


Để lên thăm hang động ở núi Bái Đính các du khách phải bước trên 300 bậc đá, qua cổng Tam Quan ở lưng chừng núi. Lên hết dốc là tới ngã ba là đền thờ Thánh Nguyễn, bên phải là hang sáng thờ Phật, bên trái là động tối thờ Mẫu. Mỗi một hang động đều có một sự tích và huyền thoại riêng tạo nên những nét kỳ bí và linh thiêng nơi cửa thiền.
 

 
Gần 1000 năm trôi qua, ngôi chùa Bái Đính cổ vẫn còn đó như một minh chứng cho sức sống bền bỉ của đạo Phật trong đời sống tâm linh của người Việt. Chùa gồm các điểm tham quan như: Giếng Ngọc, Động thờ Tổ sư, Động thờ Phật, Động thờ Mẫu, điện thờ Đức Thánh Nguyễn Minh Không và điện thờ Đức Thánh Cao Sơn. Năm 1997, chùa được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cách mạng cấp Quốc gia.
 
Nguồn: Xuân Thu; Ảnh: Xuân Lâm