Nhiều giải pháp hiệu quả để cải thiện môi trường du lịch

Cập nhật: 12/11/2020
Với hệ tài nguyên du lịch giàu có, đặc sắc, đặc biệt là sở hữu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới duy nhất của Việt Nam, Ninh Bình đã lọt tốp đầu danh sách “50 điểm đến hợp lý nhất thế giới”. Các địa danh như Hang Múa, Động Thiên Hà, đầm Vân Long, Cúc Phương…được nhiều du khách quốc tế biết đến và nhận được nhiều lời khen từ cộng đồng mạng toàn cầu.

Ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Năm 2019, ngành Du lịch Ninh Bình đón 7,65 triệu lượt khách, trong đó, khách nội địa tăng gần 4% và khách quốc tế tăng gần 11% so với năm trước. Ngành Du lịch đang tạo việc làm cho khoảng 20 nghìn người với khoảng 15 nghìn lao động trực tiếp. Doanh thu từ du lịch ước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2018, vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra.

Xác định du lịch đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển KT- XH của tỉnh và bảo vệ môi trường là nhân tố thúc đẩy sự phát triển du lịch bền vững, thời gian qua ngành Du lịch Ninh Bình đã phối hợp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản nhằm quản lý, bảo vệ Di sản Văn hóa, Thiên nhiên thế giới Tràng An nói riêng và môi trường du lịch nói chung; tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức bảo vệ di sản, thực hiện ứng xử văn minh và an toàn cho các đối tượng là cán bộ và người dân trực tiếp tham gia dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch.

Không chỉ chú trọng công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan, ngành Du lịch Ninh Bình đã phối hợp với các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở có những hành động cụ thể, mang hiệu quả rõ nét.



Khu du lịch sinh thái Tràng An. Ảnh: Xuân Lâm

Đầm Vân Long được khai thác du lịch từ những năm 2000 và đến nay vẫn giữ được vẻ đẹp sơn thủy hữu tình, điều này có được nhờ làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Bí thư chi bộ thôn Tập Ninh (xã Gia Vân), đồng chí Lê Chí Hòa cho biết: Những năm qua, nhận được sự phối hợp, giúp đỡ tích cực từ các cấp, ngành và nhân dân nên công tác bảo vệ môi trường tại Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long được nâng lên một bước.

Hiện tại địa bàn đang có 3 đoàn thể tiếp nhận, quản lý “Tuyến đường văn minh du lịch"; thành lập “Nhóm tự quản về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường” và khu dịch vụ thương mại “Bán hàng văn minh”. Tất cả đều được vận hành thường xuyên và rất nhịp nhàng, đã góp phần bảo vệ, bảo tồn bền vững những nguồn tài nguyên thiên nhiên, vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế trở thành Khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam năm 2019 - nơi đạt hai kỷ lục về thiên nhiên đó là:“Khu Bảo tồn có đàn Voọc lớn nhất Việt Nam”và“Khu vực có bức tranh tự nhiên lớn nhất Việt Nam - Bức tranh núi Mèo Cào”.

Đại diện Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Tràng An, chị Hoàng Thu Hường cho biết: Ban Quản lý đã tích cực tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, nhân viên về công tác bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững. Với 1.300 lao động làm nghề lái đò phục vụ khách trong Quần thể danh thắng Tràng An, đây là nguồn nhân lực hùng hậu đưa khách đi, đón khách về ở mỗi tuyến hành trình trong lòng di sản Tràng An. Vì vậy, mỗi lái đò ở đây còn kiêm luôn nhân viên vệ sinh môi trường.

Cùng với đó, tại các quầy bán vé, bến xe, nhà hàng….Ban Quản lý luôn tăng cường đặt các tài liệu truyền thông, thông điệp bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa… nhằm kêu gọi, hướng dẫn khách du lịch cùng nhau chung tay tham gia bảo vệ môi trường.

Trước sức ép không nhỏ ảnh hưởng tới môi trường du lịch do lượng khách tăng nhanh, ngành Du lịch đã triển khai giải pháp phân luồng khách như: mở thêm các tour, tuyến, xây dựng chương trình kích cầu du lịch vào mùa thấp điểm... Trước tình trạng lượng khách đông dẫn đến việc phát sinh lượng rác thải và đặc biệt là rác thải nhựa trên các tuyến đường; nhiều ngành, đoàn thể, địa phương ở Ninh Bình đẫ chung tay tham gia bảo vệ môi trường nói chung và chia sẻ gánh nặng cho ngành du lịch nói riêng.

Tiêu biểu như, thời gian qua Hội Phụ nữ xã Trường Yên (Hoa Lư) vận động và thành lập các câu lạc bộ, như: “Phụ nữ với văn hoá du lịch”, “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilông”, “Sạch nhà - đẹp đường - xanh đồng ruộng”, “Tuyến đường phụ nữ tự quản”, mô hình “Thôn xanh - sạch - đẹp”, “Nhà sạch - vườn đẹp” “Đường hoa phụ nữ”... Các mô hình đã huy động sự tham gia có hiệu quả của hội viên, từng bước hình thành nét văn hóa trong đời sống, góp phần thúc đẩy du lịch trên địa bàn.

Với các giải pháp thiết thực, đồng bộ, môi trường du lịch tự nhiên và môi trường xã hội ở Ninh Bình đã được cải thiện, hầu như không còn hiện tượng móc túi, ăn xin, chèo kéo, đeo bám du khách... Đây là điểm tích cực được nhiều chuyên gia và các hãng lữ hành trong nước cũng như quốc tế đánh giá cao.

Nguồn: baoninhbinh.org.vn; Ảnh: Xuân Lâm