Tam Cốc

Cập nhật: 12/11/2020
Tam Cốc có nghĩa là ba hang, gồm Hang Cả, hang Hai, Hang Ba ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đến với Tam Cốc, qúi khách đi bằng đường thủy ra vào khoảng 2h đồng hồ trên những chiếc thuyền nan nhẹ trôi trên dòng sông Ngô Đồng.

Ngồi trên những chiếc thuyền nan, lướt nhẹ trên dòng sông Ngô Đồng trong không gian tĩnh lặng, du khách có thể cảm nhận rõ cái trong trẻo của không gian nơi đây, không tiếng còi xe, tiếng máy nổ, không có những chùm âm thanh tạp nham nơi phố thị, chỉ có tiếng mái chèo nhè nhẹ, ràn rạt, tiếng gió vi vu vuốt qua những cung đàn đá, tiếng chim lảnh lót buông từng nốt nhạc trong không gian và tiếng những giọt nước tong tong nhỏ như cách giữ nhịp thời gian của đá núi.

Tại đây quí khách được ngắm nhìn cảnh trời mây, sông nước, núi non hùng vĩ. Hai bên dòng sông là cánh đồng lúa tựa như tấm lụa đổi màu qua các mùa, mướt xanh khi lúa thì con gái và vàng sọng mùa lúa chín thơm. Thấp thoáng trong không gian ấy bóng người trên đồng chăm lúa, bắt cá tôm với những nông cụ truyền thống của làng quê xưa cho ta thêm cảm giác yên bình, thư thái. Tiếp đó là những dãy núi non cao thấp, dựng đứng chạy dài theo dòng sông mà mỗi dãy, mỗi ngọn đều gắn liền với những câu chuyện về đời người, về khát vọng, ước mơ của nhân dân nơi đây.

          Thuyền trôi khoảng 400m theo dòng sông Ngô Đồng đưa quí khách đến Nghi Môn ngoại (cửa ngoài) là hai quả núi dựng hai bên sông, núi bên tay phải quí khách là núi  Cửa Quèn, núi bên tay trái là núi Vụng Gạo.

          Đi một đoạn nữa, thuyền quí khách vào cống Rồng bắc ngang qua sông Ngô  Đồng trên đường vào am Thái Vi ngày xưa, bây giờ là đường vào đền Thái Vi. Cống dài 2,8m, làm bằng đá, chạm hình đầu rồng.

           Qua cống Rồng quí khách nhìn bên trái thấy có một trái núi nhỏ nằm sát con đường vào đền Thái Vi và bên dòng sông là núi Gò Mưng. (Đền Thái Vi là nơi thờ các vị Vua cùng các vị tướng của Vương triều Trần như: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Hiển Từ Hoàng Thái Hậu...Với kiến trúc “nội công ngoại quốc” (bên trong chữ công, bên ngoài chữ quốc (theo Hán tự) độc đáo.)

           Thuyền trôi tiếp, quí khách nhìn sang bên trái, thấy môt ngọn núi nhỏ, đó là núi Văn, tiếp theo là núi Võ. Tương truyền, xưa kia có một vị thần gánh hai quả núi qua đây, đòn gánh bỗng gẫy, hai quả núi rơi xuống nằm bên sông. Hai quả núi mọc thành một chiếc mũ của quan văn, một chiếc mũ của quan võ, như muốn biểu tượng cho hai vị quan thời nào cũng có. Thuyền đi qua hai trái núi, quí khách quay nhìn lại, thấy ở đỉnh núi Võ có hình một hòn Vọng phu nhỏ rất đẹp mắt. Nhìn xa sang bên trái, thấy một quả núi lớn có tên là núi Hang, vì có hang Thiên Hương thờ Linh Từ Quốc Mẫu là bà Trần Thị Dung đã truyền dạy cho nhân dân thôn Văn Lâm nghề thêu ren.. Trên đỉnh núi Hang có hình một người ngồi quay mặt về phía Tây Bắc, tức là quay mặt về hướng đền Thái Vi. Tương truyền đó là vị thần đã gánh hai trái núi Văn, Võ hoá thành đá.

            Con thuyền lướt nhẹ, đưa quí khách tới Nghi Môn nội (cửa trong), cũng là hai quả núi đứng hai bên sông tạo thành cổng thiên nhiên mở ra để đón quí khách trước khi vào Tam Cốc. Bên tay trái quí khách là núi Bến Thánh, vì núi nằm sát bến Thánh là bến thuyền do vua Trần Thái Tông cho làm để đi bằng đường thuỷ vào am Thái Vi. Bên tay phải quí khách là núi Phượng Hoàng. Đi khoảng 15mét, thuyền dừng lại, quay đầu nhìn về núi Phượng Hoàng, quí khách sẽ thấy gần sát mặt sông, có mỏm đá nhô lên rất giống mỏ con phượng hoàng rất đẹp. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh và các nhà quay phim muốn giới thiệu về Tam Cốc, bao giờ cũng ghi lại hình ảnh “mỏ phượng hoàng” như một điểm nhấn cho bức tranh Tam Cốc; Nhìn sang bên tay phải thấy có một tảng đá lớn và phẳng nằm sát bờ sông. Tương truyền, đây là tảng đá trước kia vua Trần Thái Tông lập am Thái Vi ở phía trong Hang Cả, thường đi thuyền ra chỗ này ngồi câu cá. Tên cổ xưa của tảng đá này được gọi là “gồ đá cây sộp”.

Núi tiếp núi, sông tiếp sông, khung cảnh mở ra bao la, rộng lớn như một bức tường thành bao bọc, xa xa phía bên tay phải, hình ảnh núi đá trông giống như một quả chuông đồng khổng lồ, phía dưới có một cửa hang nhỏ, cửa hang tuy nhỏ nhưng trong hang rộng, lộ thiên. Đây là hang Múa. Tương truyền xưa kia các cung tần mỹ nữ thường hay ca múa ở đây. Hang còn có đường bộ thông sang xã Ninh Xuân. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hang Múa là Bệnh viện dã chiến của Quân y 5 chuyên chữa trị cho bộ đội và nhân dân ta. Đây cũng là căn cứ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến. Đối diện với hang Múa là núi Đá lở.

             Ngồi thuyền nhìn các dãy núi hai bên và cửa Hang Cả dưói chân núi, thấy các vết lõm sâu rộng hình vòm, nhẵn bóng như mài, ngang đều nhau như có vết kẻ. Đó là do sóng biển vỗ không ngừng hàng triệu năm, bào mòn, khoét sâu núi đá đã tạo nên những kì công tuyệt tác như vậy. (Các kết quả nghiên cứu và khảo cổ học đã chứng minh rằng, cách đây trên 200 triệu năm nơi đây là vùng biển mênh mông). Còn nước mưa cùng nước biển chảy qua núi đá đã bào đục sâu vào ruột núi, đá vôi bị phân hoá với nước biển đã nhường chỗ cho hang động, sông ngầm.

            Hang Cả dài 127m, rộng 20m, nằm dưới một quả núi lớn vắt ngang qua hai dãy núi bên sông Ngô Đồng. Dòng sông Ngô Đồng đến đây thắt lại, chảy luồn qua núi tạo thành hang.

Thuyền luồn vào trong hang, quí khách cảm thấy mát lạnh. Dòng nước trong êm ả, lững lờ trôi long lanh gợn sóng. Mùa hè vào đây, hơi nóng hình như đã toả đi theo nhịp thuyền trôi, chỉ còn cái mát lan dần. Mùa đông vào đây lại không còn cái lạnh giá mà ấm dần lên. Đây là hang có nhiều nhũ đá đẹp buông xuống. Quí khách thấy những chùm nhũ đá đẹp ở ngay cửa hang ánh lên những sắc màu kì diệu và phản chiếu xuống mặt nước lung linh hào quang. Nhũ đá ở đây làm cho sức tưởng tượng của con người thêm phong phú đa dạng: cái thì mang dáng dấp con người, cái khác lại giống cây rừng, trên trần hang và hai bên thành hang có chỗ đá nhẵn, phẳng lì như đánh bóng. Trong hang còn có khối nhũ đá tròn lì, nước từ đây nhỏ xuống tý tách dòng sông như bầu sữa mẹ đem ngọt ngào, sinh khí cho đời.

Hang Cả không chỉ đẹp về phong cảnh mà trong thời kỳ kháng chiến thì đây cũng là căn cứ địa cách mạng. Bộ đội và nhân dân ta thường đi thuyền bè sâu vào nơi đây để hoạt động cách mạng. Chính vì thế đã lập nên công binh xưởng Nguyễn Công Cậy, chuyên sản xuất vũ khí để phục vụ cho chiến đấu từ năm 1947 – 1950.

Công binh xưởng được đặt phía bên ngoài hang Cả bên tay phải khi đó công binh xưởng chạy dài từ phía bên ngoài cửa hang vào tới thung lũng rộng. Vào năm 1986, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về thăm Tam Cốc, với con mắt của một nhà quân sự, ông đã phát hiện trên đỉnh núi trong thung lũng các khối đá trông giống như những chiếc xe tăng đang ra trận. Quan sát dãy núi sát với thung lũng quí khách sẽ được chiêm ngưỡng cấu trúc các khối đá xếp chồng lên nhau giống như khu đền Ăngco chạy dài tít tắp.

Ngồi thuyền quí khách quay người lại nhìn lên vách núi ở cửa hang Cả sẽ được chiêm ngưỡng hình tượng một cụ già râu tóc bạc phơ đang ngồi câu cá. Đó là ông tiên câu cá. Cao hơn nữa là hình ảnh một cô tiên đang mặc áo trắng bay lên, xa xa từng đàn dê ăn lá cây thuốc quý ở trên núi. Dê núi cũng là đặc sản của vùng đất Ninh Bình.

Đi khoảng 200m nữa, bên tay trái quí khách có một mỏm núi nhỏ, trông như đầu rồng, gọi là núi Hàm Rồng. Đối diện núi Hàm Rồng là núi Kim Quy (núi Rùa). Từ núi Rùa này chạy dài về phía trước mặt khoảng 300m tới sát chân núi Vườn Am. Đây là chỗ đất cao khi vua Trần Thái Tông đến Vũ Lâm đầu tiên đã cho xây  một am nhỏ để lập Hành cung. Sau vì chỗ này chật hẹp, lầy lội, vua Trần Thái Tông chuyển ra động Vũ Lâm xây dựng am Thái Vi trên nền đất đền Thái Vi hiện nay. Từ đó khu đất này gọi là Vườn Am, dãy núi cạnh vườn am cũng gọi là núi Vườn Am.

          Nhìn xa xa trên sườn núi, quí khách thấy thấp thoáng bóng những con thú đang chạy, và nhởn nhơ lưng chừng núi từng đàn dê đang ăn lá cây. Quí khách còn nhìn thấy những giò phong lan phô sắc giữa trời, những cây thiên tuế, vạn tuế, cây si ... đã sống ngàn vạn năm bên núi cao.

          Thuyền trôi 1km nữa sẽ đưa quí khách tới hang Hai, hang Hai cũng nằm dưới quả núi bắt ngang qua 2 dãy núi ở hai bên sông. Hang Hai dài 60 m, rộng 18m. Trần hang có nhiều nhũ đá như hình máy bay, hình đám mây, bầu sữa mẹ...

          Ra khỏi hang Hai quí khách đã nhìn thấy luôn cửa hang Ba, khoảng cách từ hang Hai đến hang Ba rất gần chỉ 100m. Ngay cửa hang Ba phía bên phải là một đàn cá Sấu đá đang chầu ở trước cửa. Đây là hang ngắn nhất, thấp nhất nhưng lại là hang hút gió nhất. Tới đây, vào mùa hè đang đi ngoài trời oi bức, khi thuyền luồn vào trong hang, quí khách sẽ có cảm giác mát lạnh và dễ chịu.

Sau khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hang Ba, thuyền theo lối cũ đưa quí khách chở ra bến thuyền. Một lần nữa, quí khách có cơ hội thưởng ngoạn vẻ đẹp lung linh Tam Cốc.

Nguồn: Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch